Truyền thông Trung Quốc hôm qua đưa tin chính quyền tỉnh Giang Tây đang lên kế hoạch hỗ trợ cho Tập đoàn Đất hiếm Miền nam Trung Quốc (CSRE) – hãng sản xuất đất hiếm nặng lớn nhất nước này. Mục tiêu là giúp công ty này "tăng cường quyền lực, lợi thế và tiếng nói với tài nguyên này". CSRE là một trong 6 công ty đất hiếm lớn nhất Trung Quốc, được thành lập năm 2015 sau sự sáp nhập của 3 công ty tại Giang Tây.
Giang Tây là nơi sản xuất phần lớn đất hiếm nặng của Trung Quốc. Tỉnh này đang tìm cách tăng vai trò của CSRE và khuyến khích "phát triển chất lượng cao", Securities Times cho biết.
Thông tin này cho thấy Trung Quốc muốn củng cố và tăng kiểm soát việc sản xuất đất hiếm. Đây là công cụ được Bắc Kinh coi là vũ khí đàm phán mạnh trong chiến tranh thương mại với Mỹ.
Đất hiếm gồm 17 nguyên tố được sử dụng trong gần như mọi sản phẩm, từ xe điện đến thiết bị quân sự. Trung Quốc hiện kiểm soát 90% hoạt động sản xuất đất hiếm, theo số liệu của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. 80% đất hiếm Mỹ nhập khẩu giai đoạn 2014 – 2017 cũng là từ Trung Quốc.
Trong một chuyến thăm đến Giang Tây hồi tháng 5, ông Tập mô tả đất hiếm là tài nguyên chiến lược quan trọng. Chỉ vài ngày sau, Trung Quốc ra tín hiệu Bắc Kinh sẵn sàng dùng đất hiếm làm vũ khí trong chiến tranh thương mại. Năm 2010, sau căng thẳng chính trị với Nhật Bản, Trung Quốc cũng ngừng xuất khẩu đất hiếm sang nước này.
Từ sau chuyến thăm của ông Tập, cổ phiếu các công ty đất hiếm tại Trung Quốc tăng vọt. Thông tin trên từ Giang Tây càng khiến đà tăng hôm qua mạnh lên. Cổ phiếu Qingdao Huicheng Environmental Technology thậm chí tăng kịch biên độ (10%) trên sàn Thâm Quyến. Cổ phiếu 3 hãng khai thác đất hiếm khác niêm yết trên sàn này cũng tăng 10%.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), China Rare Earth Holdings tăng 5,7%. Trong khi đó, Rare Earth Magnesium Technology Holdings tăng 2%.
Tính chung một tháng qua, cổ phiếu JL Mag Rare-Earth đã lên hơn 130%. Jiangsu Jiuwu Hi-tech tăng 46%, còn BGRIMM Technology tăng 26%.
Các nhà phân tích tại Pacific Securities dự báo Trung Quốc sẽ tăng hỗ trợ ngành này, nếu Bắc Kinh chọn cách hạn chế xuất khẩu sang Mỹ. Các biện pháp được áp dụng có thể là sáp nhập các công ty trong ngành, giảm sự phụ thuộc của ngành này vào thị trường quốc tế và khuyến khích sử dụng rộng rãi đất hiếm trong các sản phẩm công nghiệp.
"Mục tiêu của Trung Quốc là tạo ra 6 tập đoàn đất hiếm khổng lồ, trong đó có CSRE và Tập đoàn Đất hiếm Miền Bắc Trung Quốc, để củng cố ngành này và tạo ra tiếng nói lớn hơn trên thị trường thế giới", các nhà phân tích tại Northeast Securities cho biết trong báo cáo tháng trước.
Hà Thu (theo CNN)