Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gắng giữ Ukraine trong tầm tay, Moscow có thể đánh mất ảnh hưởng tại một khu vực khác cũng rất giàu tiềm lực: các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á. Những quốc gia này dường như đang có xu thế hướng về Trung Quốc trong các mối đầu tư và thương mại.
Bắc Kinh đang lên kế hoạch rót khoảng 16,3 tỷ USD tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, đường sá và đường ống dẫn dầu qua khu vực Trung Á. Đây là bước đi mà giới quan sát cho rằng nhằm làm hồi sinh Con đường Tơ lụa, tuyến giao thương nối Trung Quốc với châu Âu nổi tiếng trong lịch sử.
Chủ tịch Tập Cận Bình lần đầu tiên đề xuất ý tưởng này vào năm ngoái trong chuyến thăm Kazakhstan. Đây có thể được coi là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và khu vực Trung Á ngày càng bền chặt.
Bắc Kinh có rất nhiều lý do để đầu tư mạnh tay ở Trung Á. Cơ sở hạ tầng được nâng cấp và hiện đại hóa sẽ giúp nước này kết nối với thị trường châu Âu dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận tới một khu vực rất giàu có về tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc cũng từ đó mà gia tăng đáng kể. Ở Trung Á, Kazakhstan là đất nước dầu mỏ, Kyrgyzstan sở hữu các mỏ khoáng sản lớn và Turkmenistan sản xuất khí tự nhiên.
Cùng lúc, các công trình xây dựng mà Trung Quốc dự kiến đầu tư cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của những vùng liền kề phía tây Trung Quốc, nơi Bắc Kinh đang cố gắng dập tắt ngọn lửa ly khai mới nhen nhóm, Business Week dẫn lời Sarah Lain, nhà nghiên cứu tại Viện Thống Nhất Hoàng gia Anh, có trụ sở tại London, nhận định. Giống như những gì làm ở châu Phi, Trung Quốc dường như muốn đem công nhân của mình tới Trung Á để xây dựng thêm nhiều công trình hơn nữa.
Trong phần lớn thời gian của thế kỷ 19, Nga và Anh cũng liên tục giành giật nhau quyền kiểm soát khu vực Trung Á. Vùng đất chủ yếu là người Hồi giáo này cuối cùng sáp nhập vào Liên Xô và vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Moscow trong thời kỳ hậu Xô Viết.
Ông Putin luôn tìm cách để duy trì mối quan hệ khăng khít này với các nước Trung Á. Nhưng việc kinh tế Nga đang sa sút do các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Moscow có vẻ như không thể cạnh tranh với Trung Quốc về cường độ đầu tư. Tình trạng bất ổn kinh tế của Nga cũng đang làm khó cho một vài nền kinh tế Trung Á, khiến họ phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía Trung Quốc.
Tajikistan là một ví dụ. Đây là một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực. Khoảng 52% nguồn thu của nền kinh tế đến từ số tiền gửi về nước của công nhân làm thuê tại nước ngoài, chủ yếu là Nga. Nhưng lượng kiều hối này hiện đang giảm mạnh, khiến nền kinh tế trì trệ, đồng thời khiến Tajikistan trở nên "dễ bị tổn thương trước những cú sốc", theo thông tin từ một báo cáo đưa ra tháng trước của Ngân hàng Thế giới.
Trung Quốc đang chuẩn bị đầu tư khoảng 6 tỷ USD vào nước này, Financial Times dẫn lời Jamoliddin Nuraliev, Thứ trưởng Tài chính của Tajikistan, cho biết. Con số cuối cùng chưa được Bắc Kinh xác nhận nhưng nếu chính xác, nó sẽ tương đương với hai phần ba giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tajikistan.
Nga cũng ngỏ ý muốn giúp đỡ, tuy nhiên, mức đầu tư thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Ria Novosti tuần này đưa tin, Moscow dự kiến chi 6,7 triệu USD để hỗ trợ vùng nông thôn của Tajikistan.
Trung Quốc đã rất thành công trong việc xây dựng mối quan hệ kinh tế bền chặt với một số nước trong khu vực Trung Á, có thể kể đến như việc đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ ở Kazakhstan hay thu mua một lượng lớn khí đốt từ Turkmenistan.
Bên cạnh đó, các diễn biến ở Ukraine phần nào khiến khiến nhiều quốc gia trong khu vực Trung Á cảm thấy hoang mang, đặc biệt là Kazakhstan, nơi có cộng đồng nói tiếng Nga lớn.
"Đang tồn tại một sự e ngại đối với Nga", Business Week dẫn lời Lain nói. Mặc dù khu vực không quay lưng hoàn toàn với Moscow nhưng với các nước Trung Á lúc này "dường như Trung Quốc lại là đối tác đáng tin cậy hơn cả".
Vũ Hoàng (theo Business Week)