![]() |
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: AFP, UN Photo |
Theo Kyodo, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba mô tả buổi hội đàm trên kéo dài hơn một giờ trong không khí căng thẳng, bên lề kỳ họp lần thứ 67 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.
Theo các nhà ngoại giao, ông Gemba là người đã đề xuất hội đàm. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố mua lại các đảo tranh chấp thuộc nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đầu tháng này, khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ, mà đỉnh điểm là các cuộc biểu tình khắp cả nước.
Tân Hoa Xã cho hay Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cáo buộc Nhật Bản "vi phạm trắng trợn" chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Theo ông Dương, Tokyo đã quốc hữu hóa các đảo trên "bất chấp thái độ cứng rắn và sự phản đối mạnh mẽ" của Bắc Kinh. Động thái này là "sự chối bỏ thẳng thừng" về thất bại của Nhật Bản trong Thế chiến II và là "một thách thức đối với trật tự quốc tế hậu chiến tranh".
Ông Dương còn nhấn mạnh những căng thẳng hiện tại đều "xuất phát từ phía Nhật Bản" và "Tokyo phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những gì đã gây ra". "Nhật Bản phải sửa chữa những sai lầm của mình và ngừng tất cả các hoạt động làm suy yếu toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc. Chỉ bằng cách này, quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản mới có thể trở lại êm ấm và phát triển ổn định", ông Dương nói.
Đáp lại, ông Gemba yêu cầu phía Bắc Kinh hành động kiềm chế. Hai bên sẽ tiếp tục các cuộc tham vấn thông qua nhiều kênh khác nhau về vấn đề này và duy trì quan hệ song phương.
Các cuộc gặp giữa quan chức hai nước tại Liên Hợp Quốc và trước đó ở Bắc Kinh cho thấy Trung Quốc không muốn căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, giọng điệu cứng rắn của nước này cho thấy cuộc tranh cãi về lãnh thổ vẫn sẽ còn kéo dài.
Một số công ty Nhật Bản, trong đó có Panasonic và Honda, đã tạm ngừng sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc tuần trước do lo ngại an toàn cho các nhân viên cũng như cơ sở vật chất trước làn sóng biểu tình dữ dội của người Trung Quốc.
Các tàu chính phủ Trung Quốc tiếp tục hoạt động tại vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, sáng nay, Lực lượng bảo vệ Bờ biển Nhật Bản chưa phát hiện thấy dấu hiệu của các tàu này trong khu vực.
Hôm qua, các tàu tuần duyên Nhật Bản có màn đấu vòi rồng với nhiều tàu cá Đài Loan khi các tàu này đi vào vùng biển quanh nhóm đảo tranh chấp. Vài giờ sau cuộc đối đầu, tất cả các tàu của Đài Loan đã rời vùng nước kể trên.
Quần đảo tranh chấp được Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc đặt tên là Điếu Ngư. Đây là chuỗi đảo không có người sinh sống do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Senkaku/Điếu Ngư là thuộc biển Hoa Đông. Nó cách Naha, thành phố chính trong chuỗi đảo Okinawa của Nhật, khoảng 400 km và đảo Đài Loan khoảng 200 km.
Anh Ngọc