Hai tuần gần đây, Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ liên tục đề cập việc họ đã gửi máy bay quân sự tuần tra trên bãi cạn Scarborough, đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, nơi có thể trở thành điểm nóng đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ.
"Mây dông đang vần vũ trên Biển Đông, và Trung Quốc là cột thu lôi", Carlyle Thayer, giáo sư tại Đại học New South Wales ở Australia, nhận xét.
Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough từ năm 2012 và dường như đang xem xét việc bồi đắp phi pháp một hòn đảo nhân tạo ở đây, như những gì họ đã làm với 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở gần đó.
Theo Washington Post, nếu Trung Quốc biến bãi cạn này thành đảo nhân tạo, đó sẽ là một bước leo thang quan trọng trong ý đồ của Bắc Kinh nhằm kiểm soát lâu dài Biển Đông và sẽ làm căng thẳng trong khu vực tăng lên đáng kể. Đảo nhân tạo ở Scarborough cũng có thể giúp quân đội Trung Quốc hoạt động ngay sát căn cứ quân sự Mỹ sử dụng tại Philippines.
Xem thêm: Điểm nóng đối đầu Mỹ - Trung mới trên Biển Đông
Những động thái này diễn ra khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện "đường 9 đoạn" Trung Quốc đưa ra trên Biển Đông. Bắc Kinh đang "đứng ngồi không yên" vì phán quyết sắp tới, và muốn có những động thái "tiên hạ thủ vi cường", các chuyên gia nhận xét.
"Nhiều người tin rằng phán quyết sẽ không có lợi cho Trung Quốc, và Trung Quốc lo rằng các nước khác như Mỹ và Nhật Bản sẽ có cơ hội để tiếp tục thách thức yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực", Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói.
Ông Shi dự đoán rằng Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách bắt đầu công việc bồi đắp bãi cạn Scarborough trong năm nay.
Hồi tháng hai, một kế hoạch mở rộng bãi cạn thành đảo nhân tạo với đường băng, cảng, thị trấn và các khu nghỉ mát đã xuất hiện trên một trang web chuyên về quân sự của Trung Quốc. Hình ảnh tương tự với ít chi tiết hơn đã được lan truyền trên mạng năm 2012, và một số nhà quan sát cho rằng việc tái xuất hiện kế hoạch là dấu hiệu cho thấy vấn đề này đang được xem xét.
Trong tháng ba, đô đốc hải quân Mỹ John M. Richardson nói rằng quân đội Mỹ đã phát hiện những hoạt động "đáng ngờ" của tàu Trung Quốc xung quanh bãi cạn, cho rằng đây có thể là "khu vực bị cải tạo, bồi đắp tiếp theo".
Hồi đầu tuần, South China Morning Post dẫn lời một nguồn tin giấu tên thân cận với hải quân Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh sẽ bắt đầu cải tạo bãi cạn trong năm nay, nhưng các chuyên gia nhấn mạnh rằng đây chưa phải là thông tin chính thức.
Mira Rapp-Hooper, từ Trung tâm An ninh Mới của Mỹ, cho biết Washington đang dự trù những nỗ lực mạnh mẽ để ngăn cản Bắc Kinh thực hiện điều mà họ sẽ coi là "rất leo thang".
Đòn phủ đầu
Trong khi đợi PCA ra phán quyết, Trung Quốc đã tích cực hoạt động ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của Nga đối với lập trường của mình và đạt được một hiệp ước với Indonesia về tăng cường an ninh và hợp tác trên biển hôm 26/4.
Cuối tuần trước, Trung Quốc tuyên bố họ đã đạt được "đồng thuận quan trọng" với Campuchia, Lào và Brunei rằng tranh chấp trên Biển Đông không phải là vấn đề giữa nước này và ASEAN, không nên để nó ảnh hưởng tới quan hệ Trung Quốc - ASEAN
"Trung Quốc đang 'đánh phủ đầu' để chia rẽ ASEAN, để khi tòa ra quyết định, sẽ không có một tuyên bố ASEAN thống nhất hay vững vàng nào ủng hộ phán quyết bất lợi cho Trung Quốc", Yanmei Xie, nhà phân tích cao cấp về Trung Quốc tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhận xét.
Xem thêm: Ý đồ của Trung Quốc khi thỏa thuận riêng về Biển Đông với các nước ASEAN
Tuy nhiên, ông Phay Siphan, phát ngôn viên chính phủ Campuchia, hôm kia khẳng định nước này và Trung Quốc cuối tuần trước không đạt được thỏa thuận mới nào. "Không có thỏa thuận hay các cuộc thảo luận nào, chỉ có một chuyến thăm của ngoại trưởng Trung Quốc", ông Siphan nói, đề cập đến chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Phnompenh hôm 22/4.
Trong khi đó, Washington cũng không đứng yên. Họ tuyên bố sẽ luân phiên duy trì hiện diện quân sự trên 5 căn cứ tại Philippines và hai nước bắt đầu tuần tra hải quân chung ở Biển Đông.
Nếu Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự trên bãi cạn Scarborough, địa điểm này sẽ tạo thành một tam giác chiến lược với các thực thể Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Nó cũng sẽ giúp Trung Quốc giám sát hoạt động quân sự của Mỹ ở vịnh Subic của Philippines, chỉ 150 hải lý về phía đông.
"Việc này sẽ khiến Mỹ và các lực lượng Trung Quốc hoạt động gần nhau, có nguy cơ dẫn đến rủi ro", Ian Storey, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói.
Điều chưa rõ ràng là làm thế nào Mỹ có thể ngăn chặn động thái đó mà không leo thang đối đầu với Trung Quốc.
Bắc Kinh sẽ không thể xem nhẹ những hoạt động như Mỹ triển khai tàu khu trục để chặn tàu hút bùn Trung Quốc, đứng về phía Manila trong vấn đề chủ quyền hoặc đưa bãi cạn Scarborough vào phạm vi bảo vệ của hiệp ước quân sự giữa Washington với Manila.
"Mỹ sẽ phải thực hiện một quyết định chính trị rằng việc bồi đắp đảo của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough là không thể chấp nhận được", chuyên gia Bonnie Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận xét. "Nhưng chúng ta liệu có thực sự muốn vẽ ra một đường giới hạn an toàn ở đây? Mỹ sẽ làm gì nếu Trung Quốc cứ được đà lấn tới?", bà nói.
Xem thêm: Điểm yếu trong thỏa thuận Biển Đông riêng với ba nước của Trung Quốc
Phương Vũ