"Tôi không thể cung cấp bất cứ chi tiết cụ thể nào. Tuy nhiên, bạn biết đó, Trung Quốc là một quốc gia pháp trị. Chúng tôi sẽ xử lý mọi việc theo pháp luật", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm nay trả lời trong họp báo, khi được hỏi về vụ bắt nhà báo Cheng Lei.
Trước đó, Ngoại trưởng Australia Marise Payne ra tuyên bố cho biết chính quyền Trung Quốc đã thông báo với họ về việc giữ Cheng, một công dân Australia, vào ngày 14/8.
Đại sứ quán Australia tại Bắc Kinh hôm 27/8 cũng đã tiếp xúc lãnh sự với Cheng qua video. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham, Canberra vẫn chưa rõ lý do nhà báo này bị giới chức Trung Quốc bắt.
Cheng là người dẫn chương trình kinh doanh của kênh quốc tế CGTN, thuộc đài truyền hình trung ương Trung Quốc, từng phỏng vấn nhiều CEO nổi tiếng. Trong một số bài đăng trên mạng xã hội, nhà báo này chỉ trích giới chức Trung Quốc và cách nước này ứng phó Covid-19.
Một số người bày tỏ lo ngại Cheng có thể bị giữ trong thời gian dài, sau khi truyền thông Australia đưa tin cô đang "chịu giám sát tại một địa điểm được chỉ định". Hình thức này cho phép các nhà điều tra Trung Quốc giữ và thẩm vấn một nghi phạm tối đa 6 tháng, trong khi nghi phạm không được tiếp cận với các hình thức hỗ trợ pháp lý.
Cheng sinh ra ở Trung Quốc, tốt nghiệp Đại học Queensland, làm việc 5 năm trong một số doanh nghiệp ở Melbourne và nhập tịch Australia trước khi trở lại Bắc Kinh năm 2003. Cheng từng là phóng viên thường trú ở Trung Quốc của kênh Mỹ CNBC trong 9 năm. Từ năm 2013, cô là phóng viên mảng kinh doanh cho CGTN.
Sự việc diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang căng thẳng, sau khi Canberra dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy tiến hành điều tra quốc tế về nguồn gốc nCoV, virus khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, hồi tháng 12/2019.
Bắc Kinh được cho là đã trả đũa bằng nhiều biện pháp thương mại, bao gồm điều tra cáo buộc rượu vang Australia bị bán phá giá, ngừng nhập khẩu thịt bò, cảnh báo công dân không đến Australia. Đáp lại, Canberra cũng phát cảnh báo tương tự với công dân của họ.
Ánh Ngọc (Theo AFP)