"Trung Quốc hy vọng Myanmar sẽ khôi phục hòa bình, ổn định và trật tự càng sớm càng tốt, tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi dân chủ một cách ổn định", Trương Quân, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, phát biểu trong cuộc họp kín tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 31/3.
"Duy trì hòa bình và ổn định ở Myanmar là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Nếu Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kéo dài, đó sẽ là thảm họa cho cả Myamnar và toàn khu vực", ông nói thêm.
Trung Quốc vẫn giữ nguyên lập trường phản đối gây sức ép kinh tế lên chính phủ do quân đội Myanmar nắm giữ, trong khi các nước phương Tây thảo luận về các bước tiếp theo.
"Gây áp lực một phía, kêu gọi trừng phạt hoặc sử dụng các biện pháp cưỡng chế khác chỉ làm nghiêm trọng hơn căng thẳng và tình trạng đối đầu, mà không hề có tính xây dựng", ông Trương nói.
Đại sứ Trung Quốc kêu gọi bảo vệ doanh nghiệp nước ngoài, mối quan tâm chính của Trung Quốc khi chứng kiến hàng chục nhà máy do người Trung Quốc làm chủ bị thiêu cháy trong các cuộc xung đột giữa lực lượng an ninh Myanmar và người biểu tình. "Chúng tôi hy vọng các bên ở Myanmar có thể giữ bình tĩnh, kiềm chế và hành động với thái độ xây dựng để giảm leo thang và hạ nhiệt tình hình", ông nói.
"Mạng sống và tài sản của người dân Myanmar cũng như công dân nước ngoài và doanh nghiệp cần được bảo vệ, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào họ đều không thể chấp nhận được".
Đặc phái viên Trung Quốc đánh giá cao nỗ lực của ASEAN, ủng hộ ý tưởng của hiệp hội về tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt, cũng như ủng hộ đề xuất "tiến hành hòa giải theo cách thức của ASEAN và đóng vai trò tích cực trong xoa dịu tình hình ở Myanmar".
Quân đội Myanmar hôm 1/2 tiến hành cuộc đảo chính chớp nhoáng, bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức chính quyền dân sự với cáo buộc xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Hàng trăm nghìn người Myanmar biểu tình gần như mỗi ngày kể từ đó để phản đối đảo chính, yêu cầu thả bà Suu Kyi và kêu gọi quân đội tôn trọng kết quả bầu cử.
Lực lượng an ninh Myanmar đã mạnh tay trấn áp biểu tình, sử dụng vòi rồng, hơi cay, thậm chí cả đạn thật để đối phó, khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Ít nhất 510 dân thường đã chết, gần 3.000 người bị bắt, buộc tội hay xét xử.
Mỹ và các nước phương Tây đang gây áp lực ngày càng lớn lên chính quyền quân sự Myanmar. Liên minh châu Âu (EU) đầu tuần này ra lệnh đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh với thống tướng Min Aung Hlaing, tư lệnh quân đội và lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar. Biện pháp trừng phạt tương tự cũng được áp dụng với 11 quan chức chính quyền quân sự Myanmar.
Hồng Hạnh (Theo AFP)