Giữa tâm bão bị điều tra luận tội vì thúc giục Tổng thống Ukraine điều tra cha con Biden, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3/10 tiếp tục khiến truyền thông dậy sóng khi nói với phóng viên ở Nhà Trắng rằng ông cân nhắc đưa ra đề nghị tương tự với Trung Quốc.
Trump nhiều lần ngụ ý rằng Joe Biden đã lạm dụng quyền lực chính trị và các mối quan hệ khi còn là phó tổng thống Mỹ để cùng con trai nhận hàng triệu USD từ Trung Quốc, song không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.
Tuy nhiên, Trung Quốc từ lâu đã duy trì chính sách không can thiệp vào chính trị của nước ngoài. Bắc Kinh "không muốn tham gia hay bị kéo vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ", Jeffrey Bader, cựu trợ lý đặc biệt về an ninh quốc gia dưới thời tổng thống Barack Obama, nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nhiều lần khẳng định lập trường này trong các sự kiện của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước. "Trung Quốc sẽ không bao giờ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Mỹ và chúng tôi tin tưởng rằng người Mỹ có khả năng tự giải quyết các vấn đề của họ", ông nói.
Theo Victor Shih, chuyên gia từ Đại học California San Diego, các quan chức Trung Quốc có thể gợi ý trao đổi thông tin với Mỹ để đổi lại những nhượng bộ chính sách. "Tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn nếu Bắc Kinh không tung ra bất kỳ thông tin tiêu cực nào về đối thủ của Trump để không giúp ông tăng cơ hội tái đắc cử", Shih nhận định.
"Dẫu sao thì Trump đã làm đảo lộn thương mại Mỹ - Trung nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào kể từ thời Nixon", ông nói thêm.
Hunter Biden đã đến Trung Quốc cùng với bố khi Biden làm phó tổng thống Mỹ năm 2013, vài tháng sau khi Hunter trở thành thành viên hội đồng quản trị của một quỹ đầu tư có liên quan đến Trung Quốc. Hunter đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc có hành động sai trái.
"Người Trung Quốc có thể bị cám dỗ bởi ý tưởng nếu giúp Trump, họ sẽ đạt được thỏa thuận thương mại tốt hơn. Tuy nhiên, ít khả năng họ can thiệp trực tiếp vào chính trị Mỹ", Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói. "Họ hiểu những rủi ro, bao gồm việc đặt cược sai cửa".
Giới chuyên gia đánh giá đề nghị của Trump là nước đi tệ cho chính sách thương mại. Các quan chức Mỹ - Trung sẽ gặp nhau tại Washington vào tuần tới để cố gắng đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn cho cuộc chiến thương mại. Đề xuất của Tổng thống Trump có thể được hiểu là nỗ lực chính trị hóa vấn đề thương mại.
"Việc ràng buộc vấn đề chính trị trong nước với những lo ngại chính đáng về các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc không phải là cách tốt để đạt được thỏa thuận", một quan chức Mỹ giấu tên liên quan đến đàm phán thương mại, nói.
Trong thời gian chiến tranh thương mại leo thang, các quan chức Bắc Kinh hiếm khi phản ứng trước những ngôn từ gay gắt của Trump. "Chiến lược đối phó Trump của Trung Quốc là không bị lôi kéo vào các cuộc đấu khẩu, mà kiên quyết theo đuổi lợi ích của mình. Đó là lý do các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn", Evan Medeiros, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.
Giới chuyên gia cho rằng các quan chức Trung Quốc có thể đã nắm trong tay mọi thông tin về các hoạt động hoặc giao dịch liên quan đến Trung Quốc của Hunter. Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ hoạt động của người nước ngoài tại nước họ, trong đó có các cuộc gặp gỡ và liên lạc của người nước ngoài với công dân và doanh nghiệp Trung Quốc.
Một cựu quan chức Mỹ giấu tên gợi ý rằng nếu Trump nghiêm túc trong việc nhờ cậy Trung Quốc điều tra Biden, ông có thể hứa hẹn với họ rằng Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc nhiều hơn để dẫn độ hàng chục nghi phạm bỏ trốn mà Bắc Kinh đang truy lùng trong chiến dịch chống tham nhũng.
Washington thường không đồng ý bàn giao nghi phạm chạy trốn, nhiều người trong số họ bị cáo buộc hối lộ, tham nhũng và biển thủ tiền, vì những nghi ngờ về hệ thống tư pháp Trung Quốc và mức độ công bằng của các cáo buộc.
"Tuy nhiên, đề nghị như vậy dường như cũng không đủ để khiến Trung Quốc hỗ trợ bất kỳ cuộc điều tra nào nhắm vào bố con Biden", cựu quan chức Mỹ nói.
Phương Vũ (Theo Reuters)