Quân đội Myanmar rạng sáng nay đột kích bắt Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) nhằm đối phó với cáo buộc "gian lận bầu cử" trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Lực lượng quân đội sau đó triển khai binh sĩ chiếm tòa thị chính Yangon và yêu cầu mọi người trở về nhà khi họ tới đây làm việc. Kênh truyền hình quân đội Myanmar cũng phát một video thông báo quyền lực tại nước này đã chuyển giao cho Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.
Lực lượng cho biết họ đã kích hoạt tình trạng khẩn cấp trong vòng một năm dựa theo điều 417 của hiến pháp năm 2008, sau khi các vấn đề "gian lận bầu cử" không được giải quyết, cản trở con đường dẫn đến dân chủ và buộc họ phải quyết định theo luật pháp.
Trang FrontierMyanmar dẫn các nguồn tin ở thủ đô Nay Pyi Taw cho hay các chỉ huy quân đội và quan chức cấp cao chính phủ đã đàm phán hôm qua, nhưng không đạt được đột phá, do chính phủ khước từ yêu cầu của quân đội về việc hoãn phiên họp đầu tiên của quốc hội cho đến khi các cáo buộc về gian lận bầu cử được giải quyết. Đây được xem là nguyên nhân khiến quân đội đốt kích bắt các quan chức chính phủ.
Ngay từ cuối tuần qua, quân đội Myanmar đã tuyên bố sẽ "có hành động" đối với kết quả bầu cử, và khi được hỏi họ có lên kế hoạch đảo chính hay không, phát ngôn viên lực lượng này nói "không loại trừ" phương án trên.
Sau khi nổ ra đảo chính, đường phố Myanmar trở nên vắng lặng, trong khi đó người dân chủ yếu đổ xô đi rút tiền. Hiệp hội Ngân hàng Myanmar sau đó ra thông báo mọi ngân hàng sẽ tạm ngừng hoạt động, không cho biết thời hạn mở cửa trở lại. Kết nối Internet và di động khắp Myanmar cũng không truy cập được.
Mỹ, Australia và Liên Hợp Quốc đã phát thông điệp cảnh báo mạnh mẽ, đề nghị quân đội Myanmar thả bà Suu Kyi và các quan chức chính phủ cũng như tôn trọng ý chí của người dân, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại hòa bình.
Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ quan ngại "nghiêm trọng" về tình hình đang diễn ra ở Myanmar, kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, hướng tới kết quả hòa bình, trong khi các nước Đông Nam Á khác bao gồm Thái Lan, Campuchia và Philippines khẳng định việc Suu Kyi bị bắt là "vấn đề nội bộ của Myanmar".
Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi sau đó ra tuyên bố cho biết bà kêu gọi người dân không chấp nhận "đảo chính" và xuống đường phản đối, đồng thời cáo buộc quân đội đưa đất nước trở về thời kỳ "cai trị quân sự".
Xem diễn biến chính