Bài báo của Xinhua cho biết quân lính dậy từ 6h, dành cả ngày để tập luyện vũ khí và diễn tập. Ban đêm, họ thay phiên nhau đứng gác. Nhiệm vụ của lính đồn trú ngày một khó khăn hơn, bởi "nhiều tàu không xác định thỉnh thoảng đến gần trong nhiều ngày". Những lúc đó, "quân lính phải ra xua đuổi".
Lính đồn trú ở đây phải đối mặt với thời tiết nắng, gió, bão khắc nghiệt, cũng như "áp lực tâm lý", đặc biệt là nỗi cô đơn khi đóng quân giữa biển, xa nhà hàng nghìn cây số, bài báo viết.
"Nhờ công nghệ thông tin phát triển, cơ sở vật chất, vũ khí, điều kiện sinh hoạt của quân lính đồn trú nâng cao gấp bội," Lô Vĩnh Lan, một quân nhân Trung Quốc, nói. Trước đây, lính Trung Quốc phải ở nhà giàn thì nay, tại các đá đều xây dựng nhà bê tông kiên cố, họ có thể trồng rau, lên mạng, xem phim, đọc sách, thậm chí là chơi nhạc để giải trí.
Một lính khác đóng quân trên đá Subi, nơi Trung Quốc đang cải tạo và xây đường băng dài khoảng 3.000 m, cho biết trước đây vì các đá quá nhỏ, quân lính không có phòng tập thể dục, buộc phải tập luyện bằng cách chống đẩy hoặc nhảy cóc. Hiện nay, điều kiện sinh hoạt tại các đá đã được cải thiện "nhờ vào việc cải tạo và xây dựng đang diễn ra".
Theo các tài liệu không ảnh mà Mỹ và Philippines thu thập được, Trung Quốc đang ráo riết bồi đắp 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc làm này là trái phép, vi phạm Tuyên bố về ứng xử ở Biển Đông (DOC) 2002, vi phạm các nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển mà Hà Nội và Bắc Kinh đã nhất trí. Việt Nam nhiều lần lên án việc bồi đắp ở Trường Sa và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn.
Theo Diplomat, đây là lần đầu tiên Trung Quốc trực tiếp nêu tên các đá Chữ Thập, Gạc Ma và Subi, khi nói về việc cải tạo và xây dựng căn cứ đồn trú kiên cố. Trước đó, Trung Quốc chưa từng nhắc tên các đá cải tạo, mà chỉ tuyên bố việc xây dựng ở Biển Đông nhằm "cải thiện đời sống và điều kiện làm việc của lính đồn trú," và sử dụng các đảo nhân tạo để "đáp ứng nhu cầu phòng thủ quân sự của Trung Quốc".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của một số quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Ngoài việc bồi đắp, Trung Quốc còn nhiều lần xua đuổi các máy bay của Philippines trong khu vực. Các chuyên gia quân sự Philippines cho rằng, Trung Quốc rất có thể đang thử lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên quần đảo Trường Sa. Với hoạt động cải tạo không ngừng, Trung Quốc có thể đang âm mưu biến nơi đây thành "trung tâm kiểm soát và chỉ huy" cả Biển Đông. Trung Quốc cũng ngang nhiên tuyên bố có quyền thiết lập ADIZ nếu thấy bị đe dọa.
Biển Đông có tiềm năng về năng lượng và là tuyến đường hàng hải quan trọng, với lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được vận chuyển qua vùng này mỗi năm.
Hồng Hạnh