Trung Quốc đã chuyển gần 13 triệu liều vaccine cho chính quyền của các tướng lĩnh lật đổ cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi hồi tháng 2. Cuộc đảo chính khiến cả Myanmar và hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này rơi vào hỗn loạn.
Chính quyền quân sự dường như bất lực trong ngăn chặn virus lây lan. Trung Quốc cũng được cho là đã âm thầm chuyển hàng nghìn liều vaccine, nhân viên y tế và vật liệu xây dựng cho các trung tâm cách ly, nhiều nhóm nổi dậy cho biết.
Naw Bu, phát ngôn viên Quân đội Độc lập Kachin (KIA), cho biết nhân viên Chữ thập Đỏ Trung Quốc "đôi khi đến giúp chúng tôi ngăn chặn đại dịch Covid". "Nhưng họ không ở lại đây", Naw Bu nói. "Họ chỉ đến một lúc rồi quay về".
KIA, với hàng nghìn thành viên, đang kiểm soát lãnh thổ trên những ngọn đồi giàu ngọc bích phía bắc Myanmar. Đây là một trong hơn 20 nhóm phiến quân dân tộc thiểu số Myanmar đang kiểm soát các vùng lãnh thổ biên giới xa xôi, đã chiến đấu với nhau và với quân đội về buôn bán ma túy, tài nguyên thiên nhiên và quyền tự trị.
Naw Bu cho biết khi sóng lây nhiễm thứ ba tràn qua vùng đất thấp Myanmar vào tháng 7, KIA đã tiêm chủng cho 10.000 người trong khu vực họ kiểm soát bằng vaccine Trung Quốc. Nhân viên y tế Trung Quốc cũng đi qua biên giới, sang Myanmar để giao khẩu trang, dung dịch rửa tay.
Phát ngôn viên nhóm phiến quân thuộc đảng Tiến bộ Bang Shan cho biết nhóm cũng đã tiêm vaccine cho 1.000 người ở các khu vực do lực lượng này kiểm soát và đặt thêm nửa triệu liều.
"Người láng giềng tốt" Trung Quốc cũng cam kết cung cấp vaccine cho Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang đóng trên lãnh thổ gần đó, phát ngôn viên Tar Phone Kyaw nói.
Trong khi đó, tại thị trấn biên giới Muse, những người đàn ông làm việc tại một trung tâm kiểm dịch mới có sức chứa lên tới 1.000 giường. Trung tâm do các thương nhân muốn khôi phục kinh doanh với Trung Quốc xây dựng. Công nhân là người Myanmar, nhưng vật liệu xây dựng đều do chính quyền tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cung cấp.
Những viện trợ trên không được đề cập trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc ở những nơi khác thuộc châu Á và trên khắp châu Phi.
"Trung Quốc sẽ luôn cung cấp sự trợ giúp và hỗ trợ cần thiết cho người dân Myanmar theo nhu cầu của họ trong cuộc chiến chống dịch bệnh", một phát ngôn viên đối ngoại Trung Quốc cho biết khi được hỏi liệu Bắc Kinh có đang giúp đỡ các nhóm nổi dậy chống Covid-19.
Enze Han, phó giáo sư về hành chính công thuộc Đại học Hong Kong, cho biết việc các cơ quan chức năng qua biên giới giúp đỡ là điều "dễ hiểu". "Nếu Trung Quốc muốn bảo vệ đất nước khỏi Covid-19, họ cần tạo ra một vùng đệm", ông nói.
David Mathieson, một nhà phân tích từng làm việc tại Myanmar, giải thích rằng nếu các cuộc đụng độ lớn giữa phiến quân và quân đội nổ ra, như năm 2017 khiến hàng nghìn người chạy sang Trung Quốc, đó sẽ là "tình huống xấu nhất" đối với Bắc Kinh.
Huyền Lê (Theo AFP)