Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 23/12 cho biết nước này đang khẩn trương cử một nhóm cố vấn cảnh sát cùng các trang thiết bị chống bạo động tới Quần đảo Solomon.
"Lực lượng này sẽ sớm tới Quần đảo Solomon theo yêu cầu của chính phủ nước này và đóng vai trò tích cực trong tăng cường năng lực cho cảnh sát quần đảo", ông Triệu nói. "Trung Quốc ủng hộ chính phủ Quần đảo Solomon trong bảo vệ ổn định đất nước, đảm bảo an toàn cho quan hệ hai bên, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc tại đây".
Giới chức Quần đảo Solomon sau đó ra thông cáo xác nhận nước này chấp nhận "đề nghị hỗ trợ trang thiết bị chống bạo động cùng 6 sĩ quan hỗ trợ huấn luyện và trang bị cho lực lượng cảnh sát sở tại" do Trung Quốc đưa ra.
"Các trang bị chống bạo động sẽ được chuyển đến bao gồm khiên, mũ bảo hiểm, dùi cui và thiết bị không gây sát thương khác sẽ nâng cao hơn nữa năng lực của cảnh sát Quần đảo Solomon để đối phó những mối đe dọa trong tương lai", thông cáo có đoạn.
Chính phủ Quần đảo Solomon cho biết trang thiết bị chống bạo động của Trung Quốc sẽ bổ sung cho viện trợ từ các quốc gia khác, trong đó có Australia, New Zealand, Fiji và Papua New Guinea. Các nguồn tin ngoại giao và quốc phòng Australia cho biết Trung Quốc có thể sẽ hỗ trợ thêm cho Quần đảo Solomon trong tương lai.
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi Australia thông báo rút khoảng 40 binh sĩ khỏi Quần đảo Solomon, sau khi tình hình ở thủ đô Honiara yên ổn trở lại. Số binh sĩ này được triển khai tới quốc đảo để hỗ trợ dẹp loạn hồi tháng 11.
Bộ Quốc phòng Australia cho biết một số binh sĩ nước này sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác chỉ huy, thông tin liên lạc, hậu cần và vận tải đường không cho cảnh sát Quần đảo Solomon trong nỗ lực gìn giữ hòa bình.
Hơn 200 lính gìn giữ hòa bình từ Australia, Fiji, Papua New Guinea và New Zealand được triển khai tới thủ đô Honiara theo đề nghị của Quần đảo Solomon sau khi biểu tình bùng phát thành bạo động tháng trước, khiến ít nhất ba người thiệt mạng và nhiều tòa nhà bị thiêu rụi.
Hỗn loạn nổ ra tại Quần đảo Solomon, quốc gia với khoảng 800.000 dân nằm cách Australia khoảng 2.000 km về phía đông bắc, khi khoảng 1.000 người từ tỉnh Malaita kéo tới thủ đô Honiara đòi Thủ tướng Manasseh Sogavare từ chức, với lý do chính quyền trung ương không quan tâm đến đời sống của họ.
Chính quyền tỉnh Malaita cũng phản đối quyết định của Thủ tướng Sogavare cắt quan hệ với đảo Đài Loan năm 2019. Lãnh đạo phe đối lập Matthew Wale kêu gọi ông Sogavare từ chức, cho rằng quyết định trên của Thủ tướng đã dẫn đến bạo lực.
Nguyễn Tiến (Theo RT, AFP)