Cuộc đàm phán 3 bên sắp tới là sự phối hợp giữa hai nước lớn là Mỹ và Trung Quốc, từ sau cuộc gặp giữa Tổng thống Bush và cựu chủ tịch Giang Trạch Dân tại Crawford, Texas, mùa thu năm ngoái. Ngay từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng hạt nhân, Nhà Trắng đã nhiều lần hối thúc Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong việc gây sức ép với Bình Nhưỡng. Về phần mình, Bắc Kinh liên tục tuyên bố đang thực hiện "biện pháp riêng" - theo đúng ngôn từ mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sử dụng liên quan đến chiến dịch ngoại giao với nước láng giềng.
Lợi ích chính của Bắc Kinh ở CHDCND Triều Tiên là duy trì khu phi quân sự trên biên giới với Hàn Quốc được thiết lập từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Đây là di sản cuối cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Theo tiến sĩ Scott Snyder thuộc Tổ chức châu Á ở Seoul, lợi ích cơ bản đầu tiên của Mỹ là vấn đề hạt nhân. Sau khi những nhân vật cứng rắn ở Tokyo đề cập đến chuyện phát triển vũ khí hạt nhân, Nhà Trắng đã nhiều lần gửi tín hiệu rằng việc CHDCND Triều Tiên bán hoặc phổ biến công nghệ vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận được.
Hội nghị 3 bên sắp tới được coi là rất đáng chú ý vì thời điểm diễn ra - tuần tới ở Bắc Kinh - và việc hai đồng minh của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc vắng mặt. "Nếu Seoul và Tokyo ngồi vào bàn thảo luận, CHDCND Triều Tiên sẽ cảm thấy có quá nhiều sức ép", tiến sĩ Zhang Lian Gui, phụ trách quan hệ quốc tế tại Học viện Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh, nhận xét.
Tại cuộc đàm phán này, Nhà Trắng khó có khả năng rút yêu cầu CHDCND Triều Tiên phải dỡ bỏ chương trình làm giàu uranium và plutonium. Điều này có nghĩa là phải có thẩm tra, mà theo tiến sĩ Zhang, Bình Nhưỡng sẽ không chấp nhận, dù Chủ tịch Kim Châng In có thể từ bỏ lựa chọn hạt nhân. "Thật khó tưởng tượng ai đó sẽ hài lòng nếu không có xác minh", tiến sĩ Snyder nhận định.
Kể từ tháng 10/2002, khi Bình Nhưỡng thừa nhận đang tiến hành một chương trình uranium bí mật, khu vực Đông Á đã rơi vào cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất trong một thập kỷ. CHDCND Triều Tiên đòi hội đàm trực tiếp với Mỹ, còn Mỹ thì yêu cầu phải để những nước châu Á có lợi ích liên quan tham gia. Trong khi đó, Bình Nhưỡng rút lui khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, trục xuất thanh sát viên Liên Hợp Quốc, thử tên lửa và đang dự định sẽ xử lý lại hàng trăm thanh nhiên liệu đã qua sử dụng vào plutonium trong vũ khí.
Theo các chuyên gia, thực tế quân đội Mỹ giành thắng lợi nhanh chóng ở Iraq đã làm CHDCND Triều Tiên - một trong 3 nước bị Tổng thống Bush liệt vào "trục ma quỷ" - lo ngại. Kết quả là Bình Nhưỡng đã có suy nghĩ mới. "CHDCND Triều Tiên thoả hiệp do lo ngại từ chiến tranh Iraq", chuyên gia về Triều Tiên Shi Yinhong thuộc ĐH Nhân dân Bắc Kinh nói. "Trung Quốc cũng thay đổi quan điểm một chút. Họ quyết định ngừng cung cấp dầu cho Bình Nhưỡng trong 3 ngày. Và Bắc Kinh bắt đầu xem xét thiệt hại nếu khu vực bất ổn và Mỹ đưa quân vào bán đảo Triều Tiên".
"Chúng ta mới đang ở giai đoạn khởi đầu của một cuộc hành quân rất rất dài và hết sức khó khăn", ông Zhang nói. Tiến sĩ dự đoán khuôn khổ 3 bên sẽ dần biến thành đàm phán song phương giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.
Nguyễn Hạnh (theo CSM)