Trung Quốc hôm 3/11 ghi nhận thêm 93 ca, mức tăng ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ ngày 9/8. Trong đó, Bắc Kinh báo cáo 9 ca nhiễm mới, mức tăng lớn nhất trong một ngày ở thủ đô Trung Quốc năm nay. Dịch ở Bắc Kinh chủ yếu lây lan trong các gia đình và nhóm tụ tập để chơi cờ, đánh bài.
Cụm dịch mới bùng phát ở Trung Quốc từ ngày 17/10, khi một cặp vợ chồng ở Thượng Hải cho kết quả xét nghiệm dương tính trong chuyến du lịch ở miền bắc nước này. Cụm dịch sau đó lan tới 19 tỉnh thành của Trung Quốc, với tổng cộng 631 ca nhiễm.
Đây được coi là đợt bùng phát lan rộng nhất ở Trung Quốc sau Vũ Hán cuối năm 2019, khi nCoV lây lan ở toàn bộ 31 tỉnh thành của nước này. Trong đợt bùng phát ở Nam Kinh hồi cuối tháng 7, Trung Quốc ghi nhận khoảng 1.300 ca ở 18 tỉnh thành.
Trung Quốc hiện ghi nhận tổng cộng 97.423 ca nhiễm và 4.636 ca tử vong. Tính đến 2/11, nước này đang điều trị cho 1.000 người mắc Covid-19, gồm 37 ca nghiêm trọng.
Ca nhiễm trung bình 7 ngày cũng tăng lên, cho thấy cụm dịch đang trở nên phức tạp bất chấp nỗ lực phong tỏa, truy vết, xét nghiệm diện rộng của giới chức các địa phương. Nhiều người nhiễm gần đây đã đi tàu cao tốc đến các địa điểm du lịch khắp đất nước. Ca nhiễm lan rộng nhiều tỉnh thành khiến một số chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp phong tỏa cục bộ.
Trong khi đó, tỉnh Hắc Long Giang ở phía đông bắc cũng phát hiện một chuỗi lây nhiễm khác với 35 ca nCoV, nhiều hơn bất kỳ địa phương nào khác. Tất cả ca nhiễm đều ở thành phố Hắc Hà, giáp biên giới với Nga.
Ca nhiễm ở Hắc Long Giang bắt nguồn từ một du khách đến từ nước ngoài và chưa lây lan sang các vùng khác của đất nước, nhưng rủi ro vẫn có thể xảy ra, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cảnh báo.
Chính quyền thành phố Hắc Hà đã yêu cầu các trung tâm mua sắm, siêu thị và cửa hàng tiện lợi đóng cửa từ hôm nay, đồng thời thông báo sẽ chuyển nhu yếu phẩm, thực phẩm đến tận nhà dân. Những người dễ bị tổn thương, như người già, sẽ được nhận gói quà hỗ trợ chống dịch, trong khi tình nguyện viên được huy động để giúp đỡ người thân của nhân viên y tế tuyến đầu không thể chăm sóc gia đình.
Trung Quốc là quốc gia hiếm hoi trên thế giới vẫn áp dụng chiến lược "không Covid". Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, hôm 1/11 tuyên bố chiến lược "không Covid" ít tốn kém hơn sống chung với virus và tái áp đặt hạn chế mỗi khi dịch bùng phát.
Ông ước tính ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng, nhưng đợt bùng phát này có thể được kiểm soát trong một tháng, tương đương thời gian để kiểm soát các đợt bùng phát trước đây. Đợt bùng phát ở Quảng Châu hồi tháng 5 kết thúc sau khoảng 30 ngày, trong khi đợt bùng phát ở Nam Kinh cuối tháng 7 kết thúc sau khoảng 25 ngày.
Huyền Lê (Theo Bloomberg/SCMP)