Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Biển Đông chứa khoảng 11 tỷ thùng dầu và 190 tỷ mét khối khí tự nhiên. Tuy nhiên, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tin rằng có thể có gấp 10 lần trữ lượng dầu khí như thế. Quốc gia nào khống chế được vùng biển này sẽ nắm quyền khai thác nguồn tài nguyên dầu khí phong phú trên.
Vì vậy, dù không có cơ sở pháp lý và lịch sử, Bắc Kinh vẫn tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông thông qua đường 9 đoạn, muốn coi đây là nguồn động lực thúc đẩy và duy trì phát triển kinh tế.
Nhưng tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong nhiều năm qua, đặc biệt là hàng loạt hành động bành trướng của Trung Quốc, đã trở ngại quá trình thăm dò và khai thác tài nguyên tại vùng biển này.
Trong đó, sự kiện nghiêm trọng mới đây nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc được cho là đang tiến hành xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa. Trước đó, Bắc Kinh còn giành từ tay Philippines quyền kiểm soát bãi đá Scarborough/Hoàng Nham.
Theo báo cáo năm 2013 của EIA, chính cục diện tranh chấp trên khiến các công ty năng lượng lớn trên thế giới e ngại tham gia đấu thầu khai thác dầu khí tại Biển Đông. Điển hình là việc Trung Quốc cố ý cản trở hợp đồng của hãng dầu khí Anh BP với Việt Nam tại khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn vào năm 2007, hay như hợp đồng với hãng Exxon Mobil của Mỹ năm 2008.
Mặc dù còn tồn tại tranh chấp chủ quyền, Trung Quốc vẫn ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác dầu khí với các nước Đông Nam Á, bởi Bắc Kinh muốn phá vỡ thế phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu khí từ Trung Đông và Nga, trong khi sản lượng trong nước không ngừng giảm thiểu suốt 10 năm qua.
Năm 2013, Việt Nam và Trung Quốc đạt được thỏa thuận mở rộng phạm vi hợp tác dầu khí tại vịnh Bắc Bộ, với thời hạn kéo dài đến năm 2016. Bắc Kinh cũng lên kế hoạch xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Brunei trị giá hơn 6 tỷ USD.
Giới phân tích nhận định rằng hàng loạt hành động bành trướng gần đây của Trung Quốc có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa đến tiến trình hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông, vốn đã gặp phải rất nhiều trở ngại chính trị.
Ông Gordon Kwan, giám đốc phụ trách khu vực Đông Nam Á của tập đoàn tài chính Nomura, cho biết kịch bản tương tự như việc tập đoàn dầu khí Philippines (Philex) chấm dứt kế hoạch thăm dò chung với Trung Quốc năm 2011 sau khi Bắc Kinh có những động thái gây hấn quân sự, có khả năng tái diễn trong sự kiện lần này.
Ngoài nguồn tài nguyên dầu khí, Biển Đông cũng tập trung các tuyến hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới, với giá trị thương mại hàng nghìn tỷ USD, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Theo số liệu của công ty tư vấn vận tải Drewry, lượng hàng hóa qua Biển Đông chiếm 25% tổng lượng mậu dịch toàn cầu.
Chỉ tính riêng dầu khí, một phần ba lượng dầu thô và hơn một nửa lượng khí tự nhiên được vận chuyển qua vùng biển này. Đa số trong đó phục vụ cho nền kinh tế các nước Đông Bắc Á.
"Đối với các quốc gia mậu dịch chính trên thế giới, tuyến hàng hải Biển Đông tựa như huyết mạch của nền kinh tế. Bất kỳ sự gián đoạn hay bất ổn nào cũng phải trả giá đắt", Wall Street Journal dẫn lời ông Rory Medcalf, giám đốc chương trình an ninh quốc tế thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy, cho biết.
Đây là lý do mà Mỹ coi an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông là lợi ích quốc gia hàng đầu, định kỳ điều tàu hải quân tuần tra tại đây, cũng như duy trì sự hiện diện quân sự ở mức ổn định tại khu vực eo biển Malacca.
Ngay sau khi sự kiện giàn khoan 981 diễn ra, Mỹ là quốc gia đầu tiên bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông ở nhiều cấp và được lặp lại nhiều lần, thể hiện mối quan tâm đặc biệt của Washington.
Chuyên gia Medcalf cũng cho rằng vấn đề Biển Đông là hòn đá thử vàng cho tuyên bố trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, những hành động gây hấn gần đây của Bắc Kinh đã đơn phương phá vỡ nguyện vọng hợp tác tích cực của Việt Nam.
"Trung Quốc lãng phí hàng đống tiền mỗi ngày xoay quanh vấn đề với các quốc gia láng giềng. Việc làm này chỉ gây ra những tổn hại to lớn với Trung Quốc trong khu vực, trên phạm vi toàn cầu, cũng như dư luận quốc tế", chuyên gia David Shambaugh thuộc đại học George Washington bình luận.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc trước hết cần chấm dứt hoạt động thăm dò vi phạm luật quốc tế, rồi có thể học theo mô hình Hiệp ước nghề cá Nhật Bản - Đài Loan, cùng các nước Đông Nam Á hợp tác khai thác phát triển Biển Đông, từ đó giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang và những căng thẳng không cần thiết.
Tháng 4/2013, Tokyo và Đài Bắc ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác tài nguyên hải sản trên khu vực mà cả hai bên đều cho là vùng đặc quyền kinh tế, và không đề cập đến tuyên bố chủ quyền.
"Phương thức trên nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro chính trị thông qua thúc đẩy hợp tác kinh tế đôi bên cùng có lợi, đáng để các nước vận dụng", chuyên gia phân tích James Holmes của báo The Diplomat nhận định.
Đức Dương