Một công trường xây dựng nằm ở phía tây Vũ Hán hoàn toàn vắng lặng. Công trình có vốn đầu tư 20 tỷ USD, sở hữu bởi công ty sản xuất chất bán dẫn Wuhan Hongxin (HSMC), khởi công năm 2018 và được coi là phần quan trọng biến Vũ Hán thành trung tâm sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc.
Nhưng hai năm sau, việc xây dựng đang bị đình trệ. Rất ít dấu hiệu cho thấy công trình theo đúng tiến độ, ngoài một vài cây cầu, khu ký túc xá cho công nhân hay một vài khung thép nhô lên giữa không trung.
Theo chính quyền quận Dongxihu nơi HSMC xây dựng nhà máy, dự án của HSMC bị đình trệ do thiếu vốn. Đây được xem là ví dụ mới nhất về một nhà máy sản xuất bán dẫn của Trung Quốc bị đổ vỡ vì quy hoạch kém hoặc thiếu vốn.
Đầu năm nay, một nhà máy trị giá 100 triệu USD được xây dựng bởi tập đoàn GlobalFoundries (Mỹ) và chính quyền thành phố Thành Đô, đã ngừng hoạt động sau gần hai năm khai thác kém hiệu quả. Tháng 7, một nhà máy chip trị giá 3 tỷ USD khác nằm phía đông Trung Quốc do chính phủ hậu thuẫn và Tacoma Nanjing Semiconductor Technology làm chủ, cũng phá sản do không thể thu hút nhà đầu tư.
Trước thực trạng các doanh nghiệp trong nước bị cắt đứt làm ăn ở mảng bán dẫn với các công ty Mỹ do lệnh cấm từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc gần đây đang nỗ lực gấp đôi để phát triển ngành sản xuất chip bản địa, mục tiêu là loại bỏ sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Cuối tháng 7, Bắc Kinh giảm thuế doanh nghiệp trong 10 năm đối với các công ty bán dẫn trong nước đã sản xuất được chip trên tiến trình 28nm hoặc nhỏ hơn. Chính phủ cũng mở rộng chương trình ưu đãi thuế cho toàn bộ chuỗi cung ứng chất bán dẫn, từ thiết kế đến đóng gói. Dù vậy, phần lớn nỗ lực của Trung Quốc trong việc giảm khoảng cách về cung cấp công nghệ và linh kiện quan trọng của nước này, đã không thành công.
Chẳng hạn với nhà máy của HSMC, công ty dự kiến hoàn thành xưởng sản xuất chính và một tòa nhà R&D trên diện tích gần 400.000 mét vuông trong giai đoạn 1. Thực tế, công trình chỉ hoàn thành một phần và cần thêm vốn để tiếp tục. Trong khi đó, giai đoạn 2 của quá trình chưa thể bắt đầu do chưa chuẩn bị đầy đủ và công ty không thể xin tài trợ thêm từ chính phủ.
Các chính sách hấp dẫn được xem là cách mà chính quyền Vũ Hán thu hút đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng không như mong đợi của các nhà máy đặt tại đây đang trở thành gánh nặng cho địa phương.
Căng thẳng về kinh phí xuất hiện từ năm ngoái, sau khi một tòa án Vũ Hán đình chỉ xây dựng 3 năm đối với nhà máy 220.000 mét vuông của HSMC do công ty nợ các nhà thầu xây dựng hàng triệu nhân dân tệ. L&K Engineering - một nhà thầu lớn đã niêm yết trên sàn chứng khoán - cho biết đã tạm dừng công việc do HSMC chậm thanh toán, đồng thời thừa nhận vấn đề đã ảnh hưởng lớn đến báo cáo tài chính của họ trong cuối 2019 và đầu 2020.
Chính quyền quận Dongxihu cho biết đã đầu tư 200 triệu nhân dân tệ (29 triệu USD) cho nhà máy của HSMC. Tuy vậy, nguồn vốn còn thiếu trong giai đoạn 1 cho dự án còn tới 1,8 tỷ nhân dân tệ (261 triệu USD) và đang đợi công ty mẹ rót vốn.
Cuối năm ngoái, HSMC đã tổ chức một sự kiện giới thiệu hệ thống sản xuất chip cao cấp đầu tiên của mình, mua từ ASML của Hà Lan. Nhưng sau đó, công ty đã cầm cố cỗ máy cho một ngân hàng địa phương để vay 500 triệu nhân dân tệ (gần 73 triệu USD) phục vụ xây dựng nhà máy chip.
Hôm 25/8, khi đến khu vực nhà máy của HSMC, một số phóng viên chỉ thấy vài người qua lại. Bảo vệ cổng khu vực này cho biết, hiện chưa có công trình nào tiếp tục xây dựng trong năm nay.
CEO HSMC Chiang Shang-yi nói rằng ông không biết về các vấn đề tài chính của công ty. "Trách nhiệm tài chính thuộc về Chủ tịch", ông Chiang cho biết. "Tôi đã đọc qua các báo cáo của chính phủ. Tôi phải thừa nhận rằng nhiều chi tiết trong bản báo cáo rất mới với tôi".
Bảo Lâm (theo SCMP)