Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), thời gian khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu sẽ căn cứ theo tình hình dịch bệnh và nhu cầu thông quan hàng hóa qua khu vực này. Theo thống kê của tỉnh Lạng Sơn, đến cuối ngày 26/8, cửa khẩu Cốc Nam không còn tồn xe hàng nào chờ xuất khẩu đi Trung Quốc.
Các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã thông báo tới các doanh nghiệp, thương nhân thường xuyên hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu phụ Cốc Nam để dừng đưa hàng lên cửa khẩu này.
Để hoạt động xuất khẩu không bị gián đoạn, Bộ Công Thương cho biết, đang cùng tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng xây dựng phương án điều tiết phương tiện di chuyển qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) hoặc Tà Lùng (Cao Bằng) để xuất hàng sang Trung Quốc. Hiện các cửa khẩu này vẫn thông quan bình thường.
Trước thực tế gần đây phía Trung Quốc đưa ra thông báo dừng thông quan ở một số cửa khẩu và siết kiểm dịch hàng xuất khẩu sang nước này, Bộ trưởng Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có công thư gửi phía Trung Quốc, đề nghị thông quan trở lại với hàng nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp chủ động theo dõi, cập nhật thông tin và trao đổi với đối tác Trung Quốc để thay đổi địa điểm giao nhận hàng phù hợp. Bộ này cũng khuyến cáo doanh nghiệp "chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch", bởi thực tế vào thời điểm khó khăn nhất thì các cửa khẩu chính, quốc tế vẫn thông quan bình thường.
Riêng với nông sản xuất khẩu, doanh nghiệp cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất. Việc này nhằm đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng; tránh gia tăng chi phí, giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan, hạn chế xảy ra tình trạng ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.
Anh Minh