"Sự hỗn loạn trong những năm gần đây ở Hong Kong cho thấy hệ thống bầu cử của thành phố có những sơ hở và thiếu sót rõ ràng", Trương Hiểu Minh, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau, nói với các phóng viên ở Bắc Kinh hôm nay. "Cùng với luật an ninh quốc gia, cải cách bầu cử Hong Kong là liên hoàn quyền để xử lý hiệu quả tình trạng hỗn loạn đang diễn ra".
Tuyên bố được đưa ra sau khi quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu tán thành quyết định trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội soạn thảo nội dung sửa đổi với Phụ lục I và II của Luật Cơ bản Hong Kong, vốn được coi như "tiểu hiến pháp" của đặc khu. Quyết định này sẽ mở đường cho "hệ thống sàng lọc" các ứng viên với tiêu chí "yêu nước" trong tiến trình bầu cử ở Hong Kong.
Một ủy ban bầu cử do Bắc Kinh kiểm soát tại Hong Kong có nhiệm vụ "lựa chọn tỷ lệ lớn các thành viên Hội đồng Lập pháp". Những thay đổi trong hệ thống bầu cử này gần như sẽ loại bỏ bất kỳ khả năng ảnh hưởng nào của phe đối lập lên kết quả bầu cử của Hong Kong.
Khi được hỏi liệu cải cách bầu cử có khiến các bên ở Hong Kong bị thiếu đại diện trong hệ thống chính trị và liệu còn chỗ cho các nhà hoạt động đối lập ôn hòa, ông Trương dẫn nguyên tắc "người yêu nước lãnh đạo Hong Kong".
"Một chính trị gia không yêu nước đã là quá nhiều, nhưng không đồng nghĩa họ không thể sống và làm việc bình thường ở Hong Kong. Họ chỉ không được tham gia các thể chế chính trị", ông Trương nói. "Trong phe ủng hộ dân chủ, có những người yêu nước. Họ vẫn có thể tham gia bầu cử và được bầu theo luật. Tính chính danh của Hội đồng Lập pháp có thể được nâng cao theo cách này. Khác biệt duy nhất là sẽ không có diễn biến kịch tính tệ hại do một số nghị sĩ dựng lên".
Mỹ gọi động thái của quốc hội Trung Quốc là "đòn tấn công trực tiếp vào quyền tự trị đã cam kết với người dân Hong Kong theo Tuyên bố chung Trung - Anh", trước khi London bàn giao thành phố cho Bắc Kinh năm 1997.
"Những hành động này khiến người Hong Kong không có tiếng nói trong chính quyền của họ, bằng cách hạn chế tham gia chính trị, giảm đại diện dân chủ và bóp nghẹt tranh luận chính trị", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 11/3 cho hay, đồng thời kêu gọi Hong Kong tiến hành bầu cử Hội đồng Lập pháp vào tháng 9 như kế hoạch, dù Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam ám chỉ sẽ tiếp tục trì hoãn cuộc bầu cử.
Liên minh châu Âu (EU) cũng cho rằng quyết định của quốc hội Trung Quốc "sẽ tác động đáng kể" đến Hong Kong, đồng thời cảnh báo xem xét thực hiện các bước bổ sung, tăng cường chú ý tình hình Hong Kong.
Tại cuộc họp báo, ông Trương tuyên bố vấn đề ở Hong Kong là "chuyện nội bộ", lặp lại cáo buộc của Bắc Kinh rằng các thế lực bên ngoài đang âm mưu gây rối ở đặc khu. "Chúng tôi sẽ không nhượng bộ trong vấn đề này", ông Trương nói.
Huyền Lê (Theo AFP, SCMP)