"Máy xúc nhện", những cỗ máy hạng nặng có cách di chuyển giống như những con nhện, xuất hiện trong video dài hơn hai phút đăng tuần trước trên trang Weibo của lực lượng quân đội Trung Quốc đóng tại Tây Tạng. Các máy xúc này làm việc tại khu vực cao nguyên bên sông Yarlung Tsangpo, phía Ấn Độ gọi là Brahmaputra.
Máy xúc nhện thường được trang bị bốn trục thủy lực gắn bánh lốp và hai càng mở rộng có ngàm, giúp xe có thể vượt qua chướng ngại vật, băng qua hào hoặc suối, leo trèo và làm việc trên địa hình gần như thẳng đứng. Quân đội Trung Quốc dùng những cỗ máy này để đẩy nhanh tốc độ xây dựng đường sá và các công trình công binh trên khu vực dãy Himalaya, gần biên giới Ấn Độ.
Trung Quốc và Ấn Độ gần đây tăng cường nâng cấp các công trình dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa được phân định dài 3.488 km giữa hai nước. Các dự án xây dựng làm gia tăng tình trạng đối đầu giữa Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó có đợt đụng độ kéo dài tại cao nguyên Doklam năm 2017 và vụ ẩu đả chết người ngày 15/6 tại thung lũng Galwan khiến hàng chục binh sĩ hai nước thương vong.
Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đồng ý rút bớt lực lượng dọc theo LAC, song cả hai phía tiếp tục đưa quân tiếp viện lên vùng biên giới, nâng cấp và cải tạo cơ sở vật chất ở các khu vực xa xôi hẻo lánh.
Xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng trên khu vực dãy Himalaya, với độ cao trung bình hơn 4.000 m, là công việc khó khăn do địa hình hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt. Khu vực này thường xảy ra động đất, sạt lở và lũ lụt.
Việc vận chuyển các thiết bị xây dựng hạng nặng lên biên giới cũng là nhiệm vụ nguy hiểm. Hai người Ấn Độ bị thương khi cây cầu đổ sập trong lúc xe tải chở máy xúc của họ đi qua ngày 22/6. Chiếc máy xúc này khi đó đang được đưa tới để làm đường từ làng Milam, bang Uttarakhand, tới gần biên giới Trung Quốc.
Các binh sĩ Trung Quốc trong video của lực lượng đồn trú tại Tây Tạng đang thi công tại khu vực chưa có đường sá và hoạt động xây dựng đang được triển khai với tiến độ nhanh chóng.
Quân đội Trung Quốc đang biên chế hai mẫu máy xúc nhện của hãng Máy móc Xây dựng XCMG, một mẫu nặng 11 tấn và có thể di chuyển với tốc độ 10 km/h, mẫu còn lại có thể điều khiển từ xa. Ngoài công binh, lực lượng vũ cảnh cũng sử dụng những loại máy xúc này trong ứng phó tình trạng khẩn cấp.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)