Giàn khoan Khải Hoàn 1 có hoạt động khởi đầu thuận lợi dù bị ảnh hưởng bởi các cơn bão, nó đạt đến độ khoan sâu 5.200 m, tờ South China Morning Post dẫn thông cáo từ Công ty đóng tàu Cosco cho biết.
Tuy nhiên Cosco không tiết lộ vị trí chính xác của giàn khoan, chưa rõ địa điểm này có nằm trong khu vực tranh chấp với Tokyo hay không.
Giàn khoan Khải hoàn 1 được bàn giao cho Công ty Dịch vụ Dầu khí Trung Quốc vào ngày 17/7. Hiện cả công ty này và công ty cùng tập đoàn là Công ty Dầu Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc, đều không đưa ra bình luận gì.
Trung Quốc và Nhật Bản tranh cãi về các điểm thuộc vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực này. Bắc Kinh nói họ phát hiện mỏ khí Xuân Hiểu (Chunxiao) trong vùng đặc quyền kinh tế của mình từ năm 1995. Nhật Bản gọi mỏ này là Shibaraki, và khẳng định có quyền khai thác các mỏ dầu kéo dài đến vùng có tranh chấp.
Hai bên nhất trí cùng khai thác vào năm 2008 nhưng chưa có tiến triển từ đó.
Nhật và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tàu và máy bay của Bắc Kinh và Tokyo thường xuyên lượn vờn, gây lo ngại về đối đầu quân sự.
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang sử dụng các giàn khoan nước sâu như lãnh thổ di động trên biển, nhằm hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền của họ tại các vùng biển xung quanh. Đầu tháng 5, Trung Quốc đưa giàn khoan vào hạ đặt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và rút đi hồi giữa tháng 7.
Khánh Lynh