"Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đó sẽ là hành động khiêu khích ngay trước cửa Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Ngô Quân nói tại họp báo hôm qua ở Bắc Kinh. "Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi yên và sẽ thực hiện mọi biện pháp đáp trả cần thiết".
Tuyên bố được ông Ngô đưa ra sau khi xuất hiện thông tin Mỹ đang xem xét triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) hồi tháng 8 năm ngoái. Hiệp ước này được ký giữa Nga và Mỹ, cấm hai nước phát triển, triển khai các tên lửa có tầm bắn 500-5.500 km, vốn được coi là vũ khí rất nguy hiểm vì thời gian bay ngắn, dẫn đến khó bị phát hiện và ứng phó, cũng như khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân..
Chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi INF và đàm phán một hiệp ước mới bao gồm Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh tuyên bố sẽ không tham gia. Hồi tháng 8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố ông "mong muốn" triển khai tên lửa tầm trung ở châu Á. Hai tuần sau, Mỹ phóng thử tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 500 km ở California.
"Trung Quốc hy vọng Nhật Bản và các nước khác có thể cân nhắc đến hòa bình và ổn định khu vực, hành động thận trọng và nói không với Mỹ, nước muốn triển khai các tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của họ, để họ không trở thành nạn nhân mưu đồ địa chính trị của Mỹ trong khu vực", Ngô Quân nói thêm.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng hối thúc Nhật duy trì chính sách chỉ thiên về phòng thủ như quy định trong hiến pháp của nước này.
"Vì các yếu tố lịch sử, xu hướng an ninh quân sự của Nhật luôn nhận được sự chú ý của cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng châu Á của họ. Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản nghiêm túc rút ra bài học lịch sử", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói, thêm rằng Tokyo nên "tiếp tục đi theo con đường phát triển hòa bình với các hành động cụ thể".
Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ, trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh bất đồng trên nhiều mặt trận, gồm thương mại, công nghệ và quân sự. Quan chức cấp cao Mỹ - Trung đã gặp nhau ở Hawaii tuần trước nhưng không đạt đồng thuận nào.
Lian Degui, chuyên gia các vấn đề Nhật Bản tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết Bắc Kinh sẽ không chấp nhận việc các vũ khí như tên lửa tầm trung xuất hiện gần lãnh thổ của mình.
"Điều này rõ ràng nhắm vào Trung Quốc và có thể được coi là động thái Mỹ chuẩn bị cho một cuộc đối đầu quân sự trong tương lai. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ sụp đổ nếu những tên lửa như vậy được triển khai trên đất Nhật", ông nói.
Bên cạnh việc bố trí lá chắn tên lửa đối phó, Trung Quốc cũng có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nhật Bản. Năm 2017, Trung Quốc áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với Hàn Quốc và tẩy chay tất cả các chuyến du lịch tới nước láng giềng sau khi Seoul đồng ý để Mỹ triển khai Hệ thống Phòng thủ Tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ.
Huyền Lê (Theo SCMP)