Thông báo ngày 16/10 của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy môn Giáo dục thể chất sẽ được tăng trọng số dần dần theo từng năm cho đến khi ngang bằng các môn khác.
Đại diện Bộ Giáo dục Wang Dengfeng thừa nhận trong một cuộc họp báo rằng Thể dục từ lâu đã bị coi thường. Những năm gần đây, các trường học bắt đầu quan tâm hơn đến môn này nhưng mức độ chưa cao.
Thể chất của trẻ em Trung Quốc là chủ đề được thảo luận nhiều với những lời phàn nàn về việc nhiều trẻ có thân hình mất cân đối, thị lực kém do dành quá nhiều thời gian chơi game và làm bài tập về nhà. Đây được cho là lý do dẫn đến quyết định nâng tầm quan trọng của môn Thể dục trong nhà trường.
Không chỉ Bộ Giáo dục, nhiều địa phương cũng có động thái cụ thể. Một thành phố ở tây bắc tỉnh Thiểm Tây cho biết sẽ phân loại học sinh dựa trên thị lực và chỉ số khối cơ thể (BMI) từ năm 2022 để "thúc đẩy học sinh tập thể dục nhiều hơn và cải thiện thể chất".
Dù vậy, những quyết định này vẫn gây ra một số phản ứng trái chiều. Trên Weibo, nhiều người lo lắng việc thiết lập thêm các bài kiểm tra sẽ chỉ làm giảm sự nhiệt tình của học sinh đối với thể thao. Một người bình luận viết "Mục đích của giáo dục thể chất là làm cho mọi người phát triển niềm yêu thích thể thao và tập thể dục suốt đời. Các cơ quan chức năng không nên thiết lập thêm các kỳ thi và nâng cao ngưỡng điểm vì như vậy sẽ cản trở sự phát triển".
Lü Jidong, trưởng khoa Giáo dục thể chất, Đại học Kinh tế và Tài chính Thượng Hải, nhận định ý tưởng xếp loại học sinh về thể chất là cần thiết, nhưng sẽ khó thực thi vì thiếu tiêu chuẩn toàn diện. "Vấn đề là ngay cả khi những kế hoạch này được thực hiện, các bài kiểm tra thể chất không có cùng tiêu chuẩn chấm điểm như bài kiểm tra của các môn học khác", Lü nói.
Trước đó hồi tháng 5, 108 cố vấn của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) đề xuất đưa Giáo dục thể chất vào thi đại học nhằm giải tỏa áp lực thi cử cho học sinh, giúp cân bằng giữa rèn luyện thể chất và tinh thần trong nhà trường, giải quyết các vấn đề sức khỏe trẻ em đang gia tăng tại quốc gia này như béo phì, cận thị. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Hiện, điểm môn này mới được sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh vào cấp 3, nhưng trọng số thấp hơn so với các môn như Tiếng Trung, Toán, Tiếng Anh.
Theo Ủy ban Y tế Trung Quốc, tỷ lệ cận thị ở trẻ em và thanh thiếu niên nước này là 53,6% vào năm 2018 trong khi tỷ lệ béo phì ở học sinh đã vượt quá 10%.
Dương Tâm (theo Sixth Tone)