Wu Zhiming, đại diện nhóm đề xuất, cho rằng nếu môn Giáo dục thể chất được quan tâm ngang với môn tiếng Trung hay Toán, học sinh sẽ dành nhiều thời gian tập thể dục. Điều này giúp cân bằng giữa rèn luyện thể chất và tinh thần trong nhà trường, giải quyết các vấn đề sức khỏe trẻ em đang gia tăng tại quốc gia này như béo phì, cận thị.
Theo Ủy ban Y tế Trung Quốc, tỷ lệ cận thị ở trẻ em và thanh thiếu niên là 53,6% vào năm 2018 trong khi tỷ lệ béo phì ở học sinh đã vượt quá 10%.
Wu chỉ ra môn Giáo dục thể chất đang bị xem nhẹ do hệ thống đánh giá năng lực của Trung Quốc tập trung vào điểm số, thứ hạng. Từ đó, buộc các trường phải giảm thời gian cho Giáo dục thể chất để tập trung cho các môn chính khóa như Toán, tiếng Trung.
Cùng với đó, việc thiếu giáo viên có chuyên môn, cơ sở đào tạo, cơ sở vật chất cũng làm giảm chất lượng môn Giáo dục thể chất trong trường học. Người này đánh giá các chính sách giảm bớt gánh nặng cho học sinh sẽ không thể thành công nếu tình trạng trên tiếp diễn.
"Trường học Trung Quốc đã tập trung vào giáo dục tinh thần hơn thể chất. Nhiều trường cắt bớt thời gian học Thể dục cho các môn chính khóa, thậm chí bỏ qua thời gian học thể chất bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục", Wu nói.
Tuy nhiên, đề xuất đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều trên phương tiện truyền thông. Nhiều người cho rằng đề xuất này sẽ tạo thêm gánh nặng cho học sinh. "Thi Giáo dục thể chất không làm giảm thời gian của học sinh cho các môn chính khóa mà sẽ chiếm dụng thời gian nghỉ ngơi vốn ít ỏi của các em", một người bình luận trên mạng xã hội Weibo, nhận được hơn 500 lượt thích.
Số khác cho rằng đây là ý tưởng thiết thực, có ích đối với học sinh. "Tôi rất vui khi thấy những đề xuất nhằm giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Giờ chỉ cần sự hợp tác nghiêm túc, cụ thể từ phía gia đình và nhà trường để đảm bảo đề xuất được áp dụng thành công", một người viết.
Tại Trung Quốc, điểm số môn Giáo dục thể chất được sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh vào cấp 3 tại nhiều trường học nhưng không được đánh giá trong kỳ thi đại học. Tại kỳ thi đại học, thí sinh sẽ thi 4 môn, mỗi môn 3 tiếng, gồm: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh, Hóa, Lý), hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa, Sử, Chính trị).
Tú Anh (Theo China Daily, Global Times)