Ông Âu Dương Ngọc Tĩnh, Cục trưởng Cục Biên giới và các vấn đề Hải dương, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm qua cho biết nước này có quyền lập các ADIZ. Ông cho rằng việc nước này có lập ở Biển Đông hay không sẽ phụ thuộc và các yếu tố như liệu an toàn hàng không Trung Quốc có bị đe doạ hay không và mức độ nghiêm trọng của mối đe doạ.
Theo Financial Times, dù đây không phải là lần đầu tiên một quan chức Trung Quốc đề cập đến chủ đề ADIZ, các chuyên gia cho rằng nó có ý nghĩa khi tuyên bố được đưa ra trong thời điểm căng thẳng gia tăng vào tháng này, sau khi máy bay trinh sát P-8 của Mỹ chở đội phóng viên CNN bay gần khu vực Trung Quốc bồi đắp đá trái phép ở Biển Đông.
Giáo sư Rory Medcalf, lãnh đạo trường An ninh Quốc gia, thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết việc nêu lại khả năng về một vùng ADIZ mới là một tín hiệu có tính toán kỹ lưỡng từ Bắc Kinh.
"Điều quan trọng là một quan chức cấp cao của Trung Quốc không dứt khoát bác bỏ ADIZ là một lựa chọn (đối với Biển Đông)", ông nói. "Và điều quan trọng là việc một quan chức Trung Quốc liên kết điều này với hành động của các nước khác. Thực tế, họ đang đặt nền móng về mặt ngoại giao cho động thái này nếu Trung Quốc không hài lòng với cách căng thẳng diễn ra".
ADIZ yêu cầu tất cả các phi cơ bay qua phải báo cáo về danh tính cho chính phủ kiểm soát. Mỹ đang cân nhắc triển khai các nhiệm vụ bay trinh sát thậm chí gần hơn với các bãi đá này, cũng như đưa tàu chiến tới cách đó vài km. Đây là một phần trong lập trường quân sự mới, cứng rắn hơn của Mỹ ở khu vực.
Trọng Giáp