Khi các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc đứng lên chào đón sự xuất hiện của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh hôm 17/2, một người đàn ông mặc bộ đồ đen trông đặc biệt vui vẻ. Đó là Jack Ma, tỷ phú đồng sáng lập Alibaba, người nhiều năm qua không xuất hiện cạnh ông Tập.
Khi ông Tập bắt tay Jack Ma tại cuộc họp, ông không chỉ chào đón một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất đất nước, mà còn cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ về lập trường của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ ngày càng khốc liệt với Mỹ.
Đây cũng là lần đầu tiên trong hơn 6 năm ông Tập chủ trì hội thảo với các doanh nhân hàng đầu đất nước ở quy mô lớn. Ngoài Jack Ma, cuộc họp còn có sự góp mặt của lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như nhà sản xuất ôtô điện BYD, nhà sản xuất pin CATL, tập đoàn Tencent, Xiaomi và Huawei.
Các tập đoàn tư nhân Trung Quốc, từng đối mặt nhiều hoài nghi và chỉ trích trong chiến dịch "thịnh vượng chung" của ông Tập, giờ đây trở thành vũ khí không thể thiếu để giải quyết bài toán kinh tế và hiện thực hóa tham vọng cạnh tranh siêu cường về công nghệ.
Trong cuộc họp, ông Tập đã kêu gọi thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và chất lượng cao trong khu vực tư nhân Trung Quốc, theo Xinhua. "Lĩnh vực tư nhân có triển vọng và tiềm năng lớn trên hành trình của kỷ nguyên mới. Đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp tư nhân và doanh nhân phát huy hết khả năng của họ", Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố.

Jack Ma (thứ hai từ trái sang, hàng đầu) tại cuộc họp ở Đại lễ đường Nhân dân, thủ đô Bắc Kinh ngày 17/2. Ảnh: CCTV
"Cuộc họp đã gửi thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh nhận ra khu vực tư nhân mạnh mẽ là cần thiết cho sự ổn định kinh tế và vị thế dẫn đầu về công nghệ", Marina Zhang, phó giáo sư tại Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney, nói.
Shaun Rein, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Tập đoàn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc (CMR), mô tả cuộc họp là sự kiện quan trọng và tầm cỡ. Rein nói một số người gọi nó là "chuyến công du miền nam 2.0", đề cập tới chuyến đi của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tới miền nam Trung Quốc năm 1992, giúp hồi sinh cải cách thị trường.
"Điều quan trọng hơn, đây là tín hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc muốn khu vực công nghệ tư nhân của nước này phát triển trở lại", Rein nói.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường sức ép với Bắc Kinh thông qua các đòn thuế và hạn chế về công nghệ, Trung Quốc nhận ra rằng chỉ các tập đoàn nhà nước là không đủ để tạo ra động lực đổi mới sáng tạo cần thiết nhằm cạnh tranh với sức mạnh công nghệ của Mỹ.
Sự xuất hiện của các trùm công nghệ như người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, CEO Xiaomi Lôi Quân, ông chủ DeepSeek Lương Văn Phong tại hội nghị phản ánh quyết tâm của chính phủ Trung Quốc biến lĩnh vực tư nhân thành một động lực mới để tăng cường năng lực tự cường về công nghệ, tránh phụ thuộc vào bên ngoài.
Rein cũng thêm rằng sự xuất hiện của Jack Ma tại cuộc họp cũng là dấu hiệu rõ ràng hơn về những thay đổi này. Jack Ma được coi là gương mặt đại diện cho khu vực tư nhân Trung Quốc, nhưng từng không được lòng giới lãnh đạo ở Bắc Kinh. Năm 2020, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu trị giá 37 tỷ USD của Ant Group, công ty tài chính mà ông thành lập, đã bị yêu cầu tạm dừng. Kể từ đó, ông tránh xuất hiện trước công chúng.
Dù đã từ chức chủ tịch Alibaba năm 2019, Jack Ma vẫn được coi là lãnh đạo tinh thần của giới doanh nghiệp tư nhân và đã xuất hiện trở lại trước công chúng gần đây.
Ông Tập năm 2021 phát động một chương trình nghị sự quan trọng, được biết đến với tên gọi mục tiêu "thịnh vượng chung", nhằm phân phối lại của cải xã hội, vì lo ngại rằng một bộ phận nhỏ dân số nước này đã hưởng lợi quá nhiều từ quá trình phát triển bùng nổ của nền kinh tế.
"Thịnh vượng chung" trở thành động lực cho nhiều chính sách của ông Tập, trong đó có chiến dịch nhắm vào các tập đoàn công nghệ khổng lồ được coi là đã lợi dụng sức mạnh thị trường của mình để gia tăng lợi nhuận.
Nhưng sau vài năm, nỗ lực "chấn chỉnh ngành công nghệ" dần phai nhạt, khi nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với tăng trưởng chậm lại, chỉ số tiêu dùng thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Khu vực tư nhân chiếm hơn 50% nền kinh tế Trung Quốc, cung cấp phần lớn việc làm và doanh thu thuế ở thành thị. Ông Tập ngày 17/2 nói rằng các doanh nhân khu vực này nên có tham vọng phục vụ đất nước.
"Doanh nhân nên có nhiều đam mê khởi nghiệp và phục vụ đất nước, phấn đấu hướng tới sự hoàn hảo, thiết lập tình cảm bền chặt với đất nước, ghi nhớ sự giàu có của họ đến từ đâu và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc", ông nói.
Christopher Beddor, phó giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics ở Hong Kong, cho rằng thông điệp này là sự ngầm thừa nhận Bắc Kinh cần các ông lớn tư nhân để cạnh tranh công nghệ với Mỹ. "Chính phủ Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài ủng hộ họ", Beddor nói.
Ông Tập lần đầu tiên chủ trì cuộc họp với khu vực tư nhân vào cuối năm 2018, khi căng thẳng thương mại với Mỹ đang sôi sục vì cuộc chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng". Vào thời điểm đó, ông từng cam kết cắt giảm thuế và tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân, khẳng định họ sẽ được tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) bắt tay các lãnh đạo doanh nghiệp trong cuộc họp ở Bắc Kinh ngày 17/2. Ảnh: AP
Guo Shan, làm việc tại công ty nghiên cứu Hutong Research có trụ sở ở Thượng Hải và Bắc Kinh, cho biết việc thu hút doanh nghiệp tư nhân trở lại rất quan trọng với mục tiêu thúc đẩy động lực kinh tế.
"Trong cuộc chiến thương mại 2.0 với Mỹ hiện nay, điều quan trọng là Chủ tịch Tập Cận Bình phải gặp gỡ khu vực tư nhân và củng cố niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc", bà nói.
Nhiều chuyên gia nhận định cuộc họp của ông Tập là bước ngoặt trong cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Rein cho rằng chiến dịch chấn chỉnh doanh nghiệp tư nhân trước đây là cần thiết nhằm hạn chế các hoạt động độc quyền, nhưng đã được thực hiện quá quyết liệt và làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư.
"Tôi đồng tình với nỗ lực chấn chỉnh Alibaba và Tencent năm 2020, bởi họ về cơ bản là công ty độc quyền, bóp nghẹt sự cạnh tranh và đổi mới. Tôi chỉ nghĩ nó đi hơi xa và chính phủ đã không giải thích rõ cho cộng đồng nhà đầu tư quốc tế về lý do họ làm như vậy", Rein nói.
Tương tự cuộc họp năm 2018, cuộc họp ngày 17/2 còn có sự góp mặt của ba thành viên khác trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, gồm Thủ tướng Lý Cường, ủy viên Vương Hỗ Ninh và Phó thủ tướng Đinh Tiết Tường. Sự góp mặt của họ có thể là cách khẳng định vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc với khu vực tư nhân, theo Zhang.
"Nó có thể củng cố thông điệp rằng dù khu vực tư nhân là trụ cột quan trọng trong tham vọng kinh tế và công nghệ Trung Quốc, nó vẫn phải phù hợp với ưu tiên quốc gia", Zhang nói.
Thùy Lâm (Theo CNA, Guardian, Xinhua)