Theo thống kê cơ cấu nghiên cứu thị trường, năm 2016, thị trường hệ thống camera giám sát của Trung Quốc (bao gồm thiết bị và phần mềm quản lý) đạt 6,4 tỷ USD. Các công ty nhà nước và tư nhân đã lắp 176 triệu chiếc camera giám sát, đứng đầu thế giới về số lượng. Theo dự báo, ngành này tại Trung Quốc trong năm năm tới có tỷ lệ tăng trưởng phức hợp, đạt 12,4%. Trong khi đó, thị trường này ở Mỹ chỉ trị giá 2,9 tỷ USD với mức tăng trưởng hàng năm chỉ 0,7%.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt được sử dụng rộng rãi trong công tác truy bắt tội phạm, cũng phát huy tác dụng rõ rệt trong việc giám sát người tham gia giao thông ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Một nhà vệ sinh công cộng tại Bắc Kinh thậm chí dùng công nghệ này để ngăn người dân ăn cắp giấy vệ sinh - vốn là một việc nan giải của địa phương.
Cơ hội lớn hơn nằm ở thị trường thương mại Trung Quốc. Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán lớn đang chạy đua phát triển giải pháp "thanh toán thông qua nhận diện khuôn mặt". Ngoài ra, các cửa hàng bán lẻ có thể cung cấp những dịch vụ cá biệt hoá chính xác hơn, hay các công ty hàng không có thể giảm bớt hàng loạt thủ tục, các khu vui chơi không cần kiểm phiếu vào cửa, các đơn vị tài chính có thể dễ dàng phán đoán mức độ tín dụng của khách hàng...
Có ý kiến cho rằng Trung Quốc tiên phong về nhận diện khuôn mặt, nhưng quan điểm này chưa chính xác. Các công ty công nghệ khổng lồ như Amazon, Google hay Facebook đã sử dụng nó từ lâu. Thực tế, đây không phải công nghệ mới mà đã được ứng dụng trong lĩnh vực camera nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển thần tốc về độ chính xác, tốc độ phổ cập của điện thoại thông minh và sự hỗ trợ đắc lực từ thuật toán đám mây, thế hệ công nghệ nhận diện khuôn mặt mới được ứng dụng rộng rãi hơn nhiều lần trong quá khứ.
Những nghiên cứu mang tính nền tảng về AI của Trung Quốc vẫn đứng sau Mỹ. Nhưng xét về ứng dụng thương mại, Trung Quốc mới thực sự đang tiên phong toàn thế giới. Nguyên nhân chính là sự quan tâm về quyền riêng tư của người phương Tây đã ngăn chặn công nghệ này được ứng dụng rộng rãi trong thương mại.
Âu Mỹ hạn chế ứng dụng nhận diện khuôn mặt
Mới đây, thành phố Somerville thuộc bang Massachusetts (Mỹ) tuyên bố cấm cảnh sát và chính quyền sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt và trở thành thành phố thứ hai tại Mỹ đưa ra hạn chế với công nghệ này. Hồi tháng 5, Los Angeles cũng đưa ra pháp lệnh tương tự. Theo dự báo, ngày càng nhiều bang của Mỹ tiếp tục thực thi lệnh cấm.
Về phía các nhà sản xuất, tháng trước Microsoft tuyên bố đã xoá bỏ kho dữ liệu nhận dạng khuôn mặt công khai MS Celeb. Hệ thống số hoá này được thành lập năm 2016 với mục đích nghiên cứu, sử dụng 10 triệu bức ảnh thu thập thông tin khuôn mặt của 100 nghìn người, bao gồm các nhân vật công chúng.
Tháng 5/2018, một loạt các tổ chức nhân quyền Mỹ đã cùng gửi thư đến Amazon yêu cầu ngừng cung cấp một công nghệ nhận dạng khuôn mặt có tên Rekognition cho chính phủ vì lo ngại chính phủ lạm dụng dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng quyền công dân của người dân.
Rõ ràng, tại các nước Âu Mỹ ngày nay, nỗi lo sợ về công nghệ nhận dạng khuôn mặt lấn át hoàn toàn những dự báo khả quan về lợi ích mà nó có thể đem lại.
Tại châu Âu và Mỹ, các cơ quan lập pháp muốn hạn chế công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Điều lệ bảo vệ số liệu chung (GDPR) được Liên minh Châu Âu thông qua vào tháng 5/2018 được cho là bộ hiến pháp số liệu đầu tiên trong lịch sử loài người. Trong đó, có một điều khoản quy định các thông tin sinh học bao gồm nếp nhăn trên khuôn mặt đều thuộc về người sở hữu, muốn sử dụng phải nhận được sự đồng ý của họ.
Các công ty công nghệ lớn như Google cũng không mặn mà về công nghệ nhìn có vẻ rất hốt bạc này, họ lựa chọn tập trung vào các chiến lược xa rộng hơn, như đồng tiền ảo Libra.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang đi đúng hướng. Sự lo lắng của chính phủ và người dân phương Tây không thể thay đổi xu hướng phát triển của tương lai. Cùng với sự phổ cập của các thiết bị đeo, camera ngày càng phổ biến và sẽ ngày càng nhiều người không thể tránh khỏi bị công khai khuôn mặt trên mạng.
Thanh Lam (theo Xinhuanet)