Theo Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), trong thập kỷ qua, trên toàn thế giới có hơn 50.000 đơn xin cấp bằng sáng chế về công nghệ AI tạo sinh, như khả năng tạo văn bản, hình ảnh, mã máy tính, âm nhạc. Trong đó, 25% số bằng được nộp năm 2023.
Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với hơn 38.000 hồ sơ phát minh về AI tạo sinh trong giai đoạn từ 2014 đến 2023, gấp sáu lần so với 6.276 phát minh được Mỹ nộp cùng kỳ.
Christopher Harrison, Giám đốc Phân tích Bằng sáng chế của WIPO, nói: "Đây là lĩnh vực đang bùng nổ và phát triển với tốc độ ngày càng tăng. Các đơn xin cấp bằng sáng chế của Trung Quốc bao gồm nhiều lĩnh vực từ xe tự hành, xuất bản đến quản lý tài liệu.
Theo dữ liệu của WIPO, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ lần lượt xếp thứ ba, thứ tư và thứ năm, trong đó Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Xét về doanh nghiệp, ByteDance, công ty sở hữu TikTok, có nhiều đơn xin cấp bằng sáng chế nhất, tiếp theo là gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group và Microsoft, công ty hậu thuẫn cho OpenAI.
Ông Harrison cho biết trong khi chatbot đã được các nhà bán lẻ và nhiều bên sử dụng rộng rãi để cải thiện dịch vụ khách hàng, AI tạo sinh vẫn còn tiềm năng chuyển đổi nhiều lĩnh vực kinh tế khác như khoa học, xuất bản, giao thông vận tải, an ninh. "Dữ liệu bằng sáng chế cho thấy đây là lĩnh vực sẽ có tác động sâu sắc đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau trong tương lai", ông nói. đồng thời nhấn mạnh đến việc AI sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phát triển thuốc.