Cam kết tăng mua nông sản là một phần trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Bắc Kinh và Washington ký đầu năm. Trong đó, việc hứa hẹn tăng nhập khẩu đậu tương Mỹ của Trung Quốc là nội dung trọng tâm.
Tuy nhiên, giờ Trung Quốc lại tăng tích trữ đậu tương Brazil chứ không phải Mỹ. Brazil vốn là đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ trên thị trường đậu tương quốc tế. Do kinh tế đi xuống mùa dịch nên đậu tương nước này hiện có giá thấp hơn, nên được Trung Quốc chọn mua.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc đã mua kỷ lục, với 11,6 triệu tấn đậu tương Brazil trong tháng 3/2020. Trong khi đó, đặt hàng đậu tương Mỹ cho nhu cầu cả năm 2020 của Trung Quốc đến nay vẫn rất thấp, chỉ 12,6 triệu tấn.
Con số này thậm chí còn thấp hơn mức 12,9 triệu tấn được đặt hàng cùng thời điểm này năm ngoái, khi căng thẳng thương mại đang ở mức cao. Trong khi đó, hai năm trước, khi chưa cuộc chiến thương mại, Trung Quốc đã đặt mua gần 30 triệu tấn đậu tương Mỹ vào tháng 4/2018.
Dave Walton, một nông dân Mỹ vừa bước vào vụ mùa đậu tương mới ở Iowa lo rằng, khách hàng lớn nhất của ông sẽ không giữ lời hứa theo thỏa thuận giai đoạn một. "Nhóm thương nhân Trung Quốc từng nói sẽ thực hiện tốt thỏa thuận, nhưng nếu nhìn vào tình trạng mua hàng thì họ đang đặt mua ít hơn mục tiêu cần thiết lúc này", ông nói và cho rằng cần phải có biện pháp buộc họ tuân thủ.
Các chính trị gia, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang cố gắng duy trì sự lạc quan. Nhưng các nhà phân tích cảm thấy Trung Quốc khó có thể đạt được mục tiêu đã hứa trong mua nông sản, với một nửa số đó là mặt hàng đậu tương.
Phát biểu hôm 14/4, ông Trump cho biết các giao dịch mua hàng của Trung Quốc đã có một chút ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng ông hy vọng Trung Quốc sẽ giữ vững thỏa thuận này. "Tôi biết Chủ tịch Tập Cận Bình. Tôi nghĩ ông ấy sẽ duy trì thỏa thuận. Còn nếu ông ấy không làm thế thì cũng ổn thôi vì chúng tôi có nhiều biện pháp tốt khác", ông nói.
Cailin Birch, nhà kinh tế học ở The Economist Intelligence Unit (EIU) tại London, cho rằng tình hình thực hiện thỏa thuận còn lỏng lẻo. "Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không thể đáp ứng các thỏa thuận mua bán nông sản đầy đủ như trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một", ông nói.
EIU dự báo kinh tế cho Trung Quốc năm nay chỉ tăng 1%. "Chúng tôi không hy vọng nó đủ mạnh để tạo ra nhu cầu cần thiết, nhằm đáp ứng được các quy định trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một", ông Birch nói. Vị chuyên gia dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực khiến Trung Quốc phải mua nông sản của họ. Tuy nhiên, các mục tiêu chính xác có thể bị dỡ bỏ mà không có sự trả đũa nào từ Mỹ.
Ngoài sự suy thoái do đại dịch, tình hình tái đàn heo của Trung Quốc sau khi dịch tả heo châu Phi tiêu diệt 60% số heo nước này, vẫn còn yếu. "Tất cả phụ thuộc vào khả năng thoát khỏi tình trạng nhanh ra sao. Nó liên quan chặt chẽ đến tình hình Covid, do nhu cầu thịt ở Trung Quốc gắn liền với việc nền kinh tế có tốt và mọi người sẽ đi ăn hay không. Nhưng nhu cầu cơ bản vẫn không tốt", ông nói.
Trung Quốc vẫn đang vật lộn để kiểm soát sự lây lan của dịch tả heo châu Phi sau gần 18 tháng tính từ lúc ca nhiễm đầu tiên ở nước này được ghi nhận. Bộ Nông nghiệp nước này đã báo cáo hai trường hợp mới vào chủ nhật (19/4) tại tỉnh Cam Túc và Thiểm Tây, khiến hàng chục con heo bị chết.
"Sự phục hồi của ngành công nghiệp thịt heo Trung Quốc đang thúc đẩy nhu cầu đối với đậu tương. Dù vậy, không chắc là việc tái đàn sẽ nhanh đến mức nào nên dự báo nhu cầu trong vài năm tới rất tương đối", Sanjeeban Sarkar, nhà phân tích tại EIU, cho biết.
Tuy nhiên, ông Sanjeeban Sarkar vẫn kỳ vọng về đợt phục hồi bền vững đến năm 2022. "Nếu các đợt bùng phát tiếp theo được quản lý tốt hơn, nhu cầu về đậu tương từ Trung Quốc sẽ tăng tốc, thúc đẩy nhu cầu toàn cầu", ông nói.
Phiên An (theo SCMP)