Mỹ và Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến thương mại từ giữa năm 2018. Qua nhiều vòng áp thuế, nhiều vật tư y tế thiết yếu từ Trung Quốc, như quần áo bảo hộ, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE), hệ thống chụp CT và mũ y tế dùng một lần đều bị đánh thuế nhập khẩu khi vào Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Mỹ hiện có hơn 550.000 ca nhiễm và hơn 22.000 ca tử vong. Yanzhong Huang – nhà phân tích tại CFR cho biết trên CNBC rằng so với các quốc gia khác có biện pháp tiếp cận "linh hoạt hơn" với PPE nhập khẩu, áp thuế "đang làm giảm hiệu quả công tác chuẩn bị và chính sách phản ứng của Mỹ với đại dịch".
Nếu không có thuế nhập khẩu, Mỹ "sẽ có vị thế tốt hơn trong cuộc chơi mua hàng này". Hàng loạt quốc gia trên toàn cầu đang đổ xô nhập khẩu sản phẩm y tế thiết yếu từ Trung Quốc.
Nhiều bang trên khắp nước Mỹ cho biết số giường chăm sóc đặc biệt sắp hết. Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio cũng cảnh báo số khẩu trang chuyên dụng có thể cạn kiệt khi các nguồn lực của bệnh viện thành phố này gần chạm giới hạn. Các nhân viên y tế cũng đang cần đồ bảo hộ và máy móc khi số ca nhiễm tăng vọt.
Còn với Trung Quốc, từ tháng 1, họ đã bắt đầu tăng tốc sản xuất các thiết bị y tế cần thiết khi dịch bệnh lây lan. Susan Shirk – cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho biết nước này vì thế đã tích trữ được lượng lớn thiết bị bảo hộ mà các cơ sở y tế của Mỹ hiện rất cần. "Bất kỳ rào cản nào trong việc nhập khẩu các thiết bị này đều có thể khiến nhiều người thiệt mạng hơn nữa", Shirk dự đoán.
Trong một báo cáo trước đó, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cảnh báo chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể "làm tê liệt" cuộc chiến chống đại dịch của Mỹ. Tính đến ngày 13/3, khi báo cáo này được công bố, PIIE cho biết 3,3 tỷ USD vật tư y tế thiết yếu vẫn bị đánh thuế nhập khẩu ở mức 7,5%. 1,1 tỷ USD sản phẩm có thể dùng trong điều trị Covid-19 vẫn chịu thuế 25%, dù chính quyền Trump đã giảm và hoãn áp thuế với một số hàng hóa. "Thuế nhập khẩu với sản phẩm y tế của Trung Quốc có thể góp phần gây ra sự khan hiếm và tăng giá với các thiết bị cần thiết trong thời điểm cả nước đối phó với khủng hoảng y tế", báo cáo nhận xét.
PIIE cho rằng các chính sách thương mại của Trump đã buộc Bắc Kinh chuyển sang bán thiết bị y tế cho các nước khác thay vì Mỹ. Một số sản phẩm tiêu biểu là đồ bảo hộ cho bác sĩ, y tá và các thiết bị công nghệ cao để theo dõi sức khỏe bệnh nhân
Theo PIIE, khoảng 100 tỷ USD sản phẩm trung gian từ Trung Quốc đang chịu thuế 25%, khiến chi phí đầu vào của các hãng sản xuất thiết bị y tế Mỹ tăng theo. WSJ hồi đầu tháng cũng cho biết General Motors đang xin miễn thuế một số linh kiện nhập từ Trung Quốc hiện chịu thuế 25%, nhằm "giảm gánh nặng" sản xuất máy thở.
Từ năm 2018, các hãng sản xuất thiết bị y tế đã cảnh báo thuế nhập khẩu sẽ khiến chi phí sản xuất đội lên và gây gián đoạn chuỗi cung ứng. Khi Trump mạnh tay áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, không chỉ với Trung Quốc, mà còn với Liên minh châu Âu (EU) và Mexico, Washington sẽ tự khiến mình mất thời gian và sự lựa chọn trong cuộc đua ngăn chặn đại dịch.
Thuế nhập khẩu Mỹ đe dọa áp lên Mexico – nước cung cấp PPE và quần áo bảo hộ lớn nhì cho Mỹ - đang làm giảm khả năng Mỹ mua được những thiết bị này từ đây, Robert Zoellick – cựu chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết. "Những lời đe dọa của Trump đang làm giảm niềm tin vào khả năng Mexico gây dựng các ngành này để xuất khẩu", ông nhận xét trên Wall Street Journal.
Washington cũng có thể đối mặt với nhiều thách thức khi mua các vật tư y tế cần thiết từ EU, nếu hai bên đối đầu. Đây là đối tác cung cấp chính cho Mỹ các sản phẩm như thiết bị chụp X-quang hay dung dịch rửa tay.
Trump hồi tháng 3 cấm nhập khẩu với người từ EU trong 30 ngày, đồng thời đổ lỗi cho EU không có biện pháp mạnh tay như Mỹ để kiểm soát "virus ngoại". Tổng thống Mỹ sau đó lý giải lệnh này không áp dụng với thương mại và hàng hóa.
Theo nghiên cứu của Global Trade Alert và Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ), từ đầu năm, hơn 50 quốc gia đã hạn chế xuất khẩu vật tư y tế. Việc này càng hạn chế nguồn cung quốc tế cho Mỹ. Ngay cả Trump cũng đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng hôm 3/4, cấm xuất khẩu khẩu trang N95 và các loại PPE khác.
Huang chi rằng lệnh cấm xuất khẩu PPE không chỉ "châm ngòi cho sự trả đũa" mà còn "giảm năng lực chống Covid-19 của các nước khác". "Đây là đại dịch toàn cầu. Thành công của việc này còn phụ thuộc vào diễn biến tại các nước khác nữa. Chúng ta không thể coi là thắng khi các nước khác vẫn còn dịch", Huang nói.
Hà Thu (theo CNBC)