"Trung Quốc sẽ không đầu hàng. Chúng tôi sẽ không khoanh tay ngồi yên khi lợi ích của đất nước bị tổn hại", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nói trong cuộc họp báo hôm nay. Ông Mã được coi là ứng viên sáng giá kế nhiệm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
"Trong tương lai, các nhà ngoại giao Trung Quốc sẽ tiếp tục vượt qua mọi trở ngại và luôn là những người bảo vệ tận tụy lợi ích của đất nước, nhân dân", ông Mã nói thêm.
Tuyên bố của ông Mã được đánh giá là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ không từ bỏ chính sách "ngoại giao chiến lang" sau đại hội đảng toàn quốc lần thứ 20 khai mạc vào ngày 16/10.
Chính sách "ngoại giao chiến lang" được đặt theo tên loạt phim hành động nổi tiếng của Trung Quốc, trong đó các binh sĩ quân đội nước này thực hiện hàng loạt chiến dịch táo bạo trên toàn cầu.
Đội quân "ngoại giao chiến lang" của Trung Quốc công khai chỉ trích, đấu khẩu gay gắt với các đối thủ trên mọi mặt trận, từ mạng xã hội, báo chí, truyền hình cho tới bàn đàm phán. Sự xuất hiện của đội quân này đánh dấu bước ngoặt lớn cho đội ngũ ngoại giao thường nổi tiếng là thận trọng và kín kẽ của Trung Quốc.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát toàn cầu do Trung tâm Nghiên cứu Pew có trụ sở tại Washington công bố trong tuần này cho thấy dư luận tại Mỹ và các nền kinh tế khác đối với Trung Quốc chuyển sang trạng thái "tiêu cực hơn" sau nhiều năm nước này áp dụng chính sách "ngoại giao chiến lang".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng kêu gọi các nhà ngoại giao Trung Quốc tăng cường "tinh thần chiến đấu", chỉ thị được nhiều quan chức nước này đăng lên mạng xã hội. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh từng nói "để bảo vệ công bằng và công lý quốc tế, có gì sai khi trở thành một chiến lang?".
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)