Các nhà phân tích cho rằng quân đội Trung Quốc (PLA) có thể điều máy bay chiến đấu J-11 đến Biển Đông khi hoàn thành đường băng tại các khu vực nước này cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"J-11 là máy bay tấn công tầm xa nên loại này có thể được điều đến Biển Đông", Huang Zhao, một cựu phi công không quân, nói.
Với J-11, cùng với Su-27 và J-11B cải tiến do Công ty Máy bay Thẩm Dương đóng, không quân PLA ngày càng phô diễn sức mạnh trong khu vực. Tháng 8 năm ngoái, một chiến đấu cơ J-11 có lúc bay cách trinh sát cơ Poseidon P-8A của Mỹ chỉ 10 m tại khu vực cách đảo Hải Nam 220 km về phía đông. J-11 cắt đầu P-8 và lộn vòng ở cự ly gần.
Video: Mô phỏng vụ máy bay Trung Quốc chặn đầu trinh sát cơ Mỹ
Bắc Kinh tuần trước nói rằng nước này sẽ sớm hoàn thành việc cải tạo trên 7 bãi đá ở Biển Đông. Trong các cấu trúc mới được xây dựng, ít nhất một đường băng đủ tiêu chuẩn để phục vụ cho mục đích quân sự. Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3 km, đủ dài cho J-11 hạ cánh.
Trung Quốc khẳng định hầu hết các cơ sở mới được sử dụng cho mục đích dân sự và sẽ cho phép các quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả các bên tranh chấp khác, sử dụng. Tuy nhiên, lời đề nghị cũng không thể dập tắt nghi ngờ rằng nước cờ chính của Trung Quốc là xây dựng căn cứ quân sự mới tại một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.
Trung Quốc bắt đầu đóng J-11 dựa trên Su-27 do Liên Xô thiết kế 25 năm trước và loại này có thể đã dần lạc hậu. Tuy nhiên, J-11 vẫn là tài sản quan trọng của không quân Trung Quốc với khoảng hàng trăm chiếc đang hoạt động.
Việc triển khai J-11 đến quần đảo Trường Sa sẽ tạo điều kiện để PLA mở rộng đáng kể phạm vi hoạt động, vượt ra ngoài căn cứ trên đảo Hải Nam. J-11 có tầm bay 1.500 km và có thể bay xa hơn nữa nếu có bình chứa nhiên liệu bổ sung. Việc thiết lập hoạt động trên các đảo nhân tạo sẽ tạo điều kiện để không quân PLA vươn xa tầm với về phía nam khoảng 1.000 km. Kết hợp với tàu sân bay Liêu Ninh, việc này sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu là chuyển từ phòng vệ bờ biển sang phòng vệ trên biển.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vai trò của J-11 sẽ chỉ giới hạn trong việc phòng thủ, vì J-11 không thể sánh với các máy bay hiện đại của không quân Mỹ. Theo chuyên gia quân sự David Tsui tại Đại học Sun Yat-sen, J-11 chỉ đủ hiệu quả để phòng vệ cho 7 bãi đá Trung Quốc đang xây dựng, chứ không đủ tinh vi để tấn công.
"Trung Quốc nhận ra đối thủ quan trọng nhất là Mỹ, nước chắc chắn sẽ can thiệp vào vụ tranh chấp nếu PLA bắt đầu sử dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc vũ lực để giải quyết vấn đề", Tsui nói.
"Máy bay đầu tiên xuất phát từ tàu sân bay của Trung Quốc, J-15, có thể đủ tiên tiến để thách thức F-18 của Mỹ, nhưng chiến đấu cơ chính của không quân PLA, J-11 và các biến thể của nó, không thể cạnh tranh với F-22 và F-35 của Mỹ.
Phương Vũ (theo SCMP)