Chủ tịch Tập Cận Bình tháng trước tuyên bố Hong Kong, thuộc địa cũ của Anh, phải luôn được lãnh đạo bởi "những người yêu nước". Gần đây, truyền thông nhà nước, quan chức và học giả Trung Quốc cũng đồng loạt chia sẻ lời kêu gọi của ông Tập, cho rằng quốc hội nước này trong cuộc họp thường niên vào tháng tới sẽ thúc đẩy kế hoạch cải cách hệ thống bầu cử ở đặc khu Hong Kong.
Matthew Brooker, biên tập viên của Bloomberg, cho rằng Bắc Kinh đang tiếp thu "có chọn lọc" những đường hướng của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" sau khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
"Cần phải có những người yêu nước thành lập cơ quan quản trị chính, tức là chính quyền tương lai của đặc khu Hong Kong", Đặng Tiểu Bình nói năm 1984.
Ông Đặng còn đưa ra định nghĩa rằng người yêu nước là "người tôn trọng đất nước Trung Quốc, chân thành ủng hộ đại lục tiếp quản chủ quyền với Hong Kong và mong muốn không làm suy giảm sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong".
Nhưng đây không phải là tất cả những gì cố lãnh đạo Trung Quốc nói về chủ đề này. "Những người đáp ứng các yêu cầu trên là những người yêu nước, cho dù họ tin vào chế độ tư bản, phong kiến hay thậm chí là chế độ nô lệ", ông nói tiếp. "Chúng ta không yêu cầu họ phải ủng hộ hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, chúng ta chỉ yêu cầu họ có tình yêu với tổ quốc và Hong Kong".
Theo định nghĩa của Đặng Tiểu Bình, người yêu nước không nhất thiết phải ủng hộ đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng cần chấp nhận thực tế Hong Kong đã được trao trả cho Trung Quốc, được củng cố bằng cam kết của Bắc Kinh rằng mọi thứ ở thành phố về cơ bản không thay đổi.
Tuy nhiên, Brooker cho rằng định nghĩa của Đặng Tiểu Bình đang bị thu hẹp đáng kể khi Bắc Kinh đặt nền móng cho những cải cách hệ thống bầu cử của Hong Kong, có thể giúp loại bỏ các chính trị gia đối lập. Truyền thông nhà nước cho rằng việc Trung Quốc "quá nới tay" với Hong Kong sau năm 1997 đã tạo điều kiện cho các lực lượng nước ngoài gieo rắc sự bất mãn và đảo lộn trật tự ở đặc khu, cuối cùng đe dọa an ninh quốc gia và buộc Bắc Kinh phải hành động.
Han Dayuan, giáo sư luật tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, trong cuộc phỏng vấn với Xinhua hôm 19/2 cho biết bất ổn xã hội ở Hong Kong xuất hiện hơn hai năm trước do chính quyền không thể đảm bảo thành phố được lãnh đạo bởi những người yêu nước. Han, thành viên ủy ban cố vấn cho Bắc Kinh về Luật Cơ bản, tiểu hiến pháp của Hong Kong, rõ ràng đã liên hệ bất ổn ở đặc khu với vấn đề an ninh quốc gia, khi nói rằng bầu cử "không an toàn" sẽ tiềm ẩn rủi ro cho Trung Quốc.
Trước đó một ngày, Xinhua dẫn bình luận tương tự của giáo sư luật Đại học Thanh Hoa Wang Zhenmin, người xem hệ thống chính trị hiện tại của Hong Kong là "không ổn định".
Trong bài phát biểu ở Bắc Kinh hôm 22/2, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau của Trung Quốc Hạ Bảo Long nhắc lại yêu cầu đối với tất cả cơ quan chính quyền đảm bảo chỉ "người yêu nước" lãnh đạo đặc khu.
Bắc Kinh có thể gặp nhiều khó khăn để truyền tải câu chuyện của họ, ít nhất là khi Hong Kong vẫn duy trì cơ quan truyền thông độc lập, theo Brooker. Ngoài việc định nghĩa lại khái niệm "người yêu nước" của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh còn phải "thu phục" các chính trị gia ôn hòa, những người đã hoạt động trong các cơ quan dân chủ của Hong Kong hàng thập kỷ, và những người biểu tình cấp tiến đối đầu cảnh sát trong nhiều tháng năm 2019.
Trong tháng 1, cảnh sát đã bắt hơn 50 nhà lập pháp, chính trị gia, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ theo luật an ninh mà Trung Quốc đưa ra ở Hong Kong tháng 6 năm ngoái. Cảnh sát cáo buộc họ lên kế hoạch tổ chức bầu cử sơ bộ không chính thức nhằm giành thế đa số trong Hội đồng Lập pháp và sau đó buộc lãnh đạo đặc khu phải từ chức.
Brooker cũng nêu một luận điểm khác mà Bắc Kinh sử dụng là cáo buộc các thế lực nước ngoài đã khiến cư dân Hong Kong xa lánh đại lục, phớt lờ vai trò chính trị của Bắc Kinh, mâu thuẫn với những cam kết sau khi Anh trao trả.
"Thực tế cho thấy ấn tượng tốt đẹp về đại lục đã tăng lên trong những năm sau 1997, khi người dân Hong Kong thấy Bắc Kinh phần lớn tôn trọng cam kết và cho phép thành phố duy trì lối sống riêng. Nhưng khi Trung Quốc tăng cường can thiệp vào thành phố, đặc biệt là trong thập kỷ qua, sự bất mãn cũng tăng lên", Brooker cho hay.
Những bình luận của Đặng Tiểu Bình năm 1984 là nỗ lực rõ ràng nhất để hướng tới nhiều đối tượng nhất có thể, đồng thời trấn an những người lo lắng trước khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, giữa lúc đặc khu này đóng vai trò then chốt đối với cuộc cải cách kinh tế của Bắc Kinh.
"Bản chất bình luận của ông Đặng là hãy tin chúng tôi, các bạn vẫn sẽ có vai trò quan trọng", Brooker viết. "Trung Quốc giờ đã khác".
Thanh Tâm (Theo Bloomberg)