Theo thông báo trên WeChat của Phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo Thượng Hải (SAIL), bộ phim dài 26 tập, đã phát tập đầu trên CCTV1 ngày 26/2. Phim nói về những bài thơ cổ kinh điển Trung Quốc và những câu chuyện đằng sau chúng, mỗi phần kéo dài khoảng 7 phút.
Qianqiu Shisong sử dụng mô hình AI tạo sinh chuyên tạo video từ văn bản CMG Media GPT của China Media - mô hình tương tự Sora của OpenAI, cũng như công nghệ AI của SAIL. Các mô hình được sử dụng trong mọi giai đoạn của quy trình sản xuất, từ thiết kế nghệ thuật đến tạo video và hậu kỳ.
Theo SAIL, CMG Media GPT được đào tạo bằng cách sử dụng kho tài liệu âm thanh và video khổng lồ của CCTV, cho phép tạo ra các tác phẩm nghệ thuật và cảnh hoạt hình thể hiện phong cách tranh thủy mặc truyền thống của Trung Quốc, phù hợp với thiết kế kiến trúc cũng như diện mạo của con người từ thời cổ đại.
"CMG Media GPT cung cấp cho nhà sản xuất hoạt hình một công cụ thiết kế và ý tưởng hiệu quả, chi phí thấp để thiết kế nhân vật và cảnh vật", đại diện SAIL nói.
"Chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn về đổi mới công nghệ, tận dụng Internet và AI nhằm xây dựng một công cụ mạnh mẽ để phục vụ cho một loại hình truyền thông chính thống quốc tế mới", Shen Haixiong, đứng đầu China Media, viết trên WeChat.
Theo SCMP, cam kết của Haixiong lặp lại lời kêu gọi từ Trung Quốc nhằm biến AI trở thành một phần không thể thiếu trong kế hoạch phát triển và đẩy nhanh lĩnh vực này. Tuần trước, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước (SASAC) của Trung Quốc đã tổ chức hội thảo nhằm thúc đẩy phát triển và sử dụng AI trong doanh nghiệp nhà nước trung ương (SOE). Cơ quan này kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước nắm bắt "những thay đổi sâu sắc" do xu hướng công nghệ mới mang lại, dành ưu tiên cao hơn cho việc phát triển AI, đồng thời dồn nguồn lực vào các lĩnh vực có lợi thế và cần thiết nhất.
Bảo Lâm