"Cái gọi là Khái niệm Chiến lược mới của NATO đã coi thường sự thật, đổi trắng thay đen và bôi nhọ chính sách đối ngoại của Trung Quốc", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm nay. "Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này".
Bình luận được đưa ra sau khi NATO công bố Khái niệm Chiến lược mới tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, Tây Ban Nha hôm 29/6, nói rằng "tham vọng và các chính sách cưỡng ép của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh cùng giá trị" của liên minh quân sự này.
"Họ cố gắng phá vỡ trật tự quốc tế được thiết lập dựa trên luật lệ, trong cả lĩnh vực không gian, mạng và hàng hải", tài liệu cho hay.
NATO còn cáo buộc Trung Quốc nhắm mục tiêu vào thành viên trong liên minh bằng các "hoạt động không gian mạng độc hại và luận điệu đối đầu, sử dụng loạt công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường hiện diện và phô diễn sức mạnh toàn cầu, trong khi mập mờ về chiến lược, ý định và các hoạt động tăng cường quân đội".
"Chúng tôi muốn cảnh báo NATO rằng việc thổi phồng cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc là hoàn toàn vô ích", ông Triệu nói với phóng viên. "Trung Quốc không đặt ra thách thức mang tính hệ thống như họ tưởng tượng. NATO mới là thách thức mang tính hệ thống đối với hòa bình, ổn định thế giới. Bàn tay họ nhuốm máu người dân thế giới".
Khái niệm Chiến lược là tài liệu được cập nhật một thập kỷ một lần để tái khẳng định các giá trị và mục đích của NATO, đánh giá chung về môi trường an ninh, định hướng cho sự phát triển chính trị và quân sự trong tương lai.
Đây là lần đầu tiên NATO mô tả Trung Quốc là "thách thức" trong tài liệu chiến lược. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trước đó nói rằng liên minh không coi Trung Quốc là đối thủ, nhưng thất vọng vì Bắc Kinh không lên án Nga trong xung đột Ukraine.
Khái niệm Chiến lược của NATO cũng coi Nga là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của các nước trong khối, cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương" sau chiến dịch quân sự tại Ukraine.
NATO nói thêm mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Moskva và Bắc Kinh "đi ngược lại các giá trị và lợi ích" của khối. Tuy nhiên, liên minh cũng nhấn mạnh để mở các kênh liên lạc và sẵn sàng đối thoại với hai nước này.
Nga và Trung Quốc thời gian qua đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định tình hữu nghị "không giới hạn". Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019.
Huyền Lê (Theo AFP)