"Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này. Mỹ nên tôn trọng các nguyên tắc kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng, dừng chèn ép các công ty, tạo môi trường cởi mở, bình đẳng, không phân biệt đối xử cho công ty nước ngoài tại Mỹ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết tại cuộc họp báo ngày 2/3.
Bà Mao bình luận sau khi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 1/3 thông qua Đạo luật răn đe đối thủ công nghệ của Mỹ (DATA), cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden cấm TikTok cùng các ứng dụng đe dọa an ninh quốc gia. TikTok do công ty ByteDance của Trung Quốc phát triển và đang có hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ.
DATA không nêu cụ thể cách triển khai thế nào, nhưng ông Biden có thể cấm mọi giao dịch với TikTok, đồng nghĩa cá nhân ở Mỹ không thể tiếp cận hoặc tải ứng dụng này về điện thoại. Dự luật cũng yêu cầu ông chủ Nhà Trắng áp lệnh cấm với mọi thực thể có thể chuyển dữ liệu cá nhân nhạy cảm đến tổ chức chịu ảnh hưởng của Trung Quốc.
Dự luật sẽ cần được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện, đang do phe Dân chủ kiểm soát, trước khi trình lên ông Biden ký ban hành. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, đảng Cộng hòa, kỳ vọng Hạ viện sẽ bỏ phiếu về DATA trong tháng 3.
Phe Dân chủ phản đối dự luật, cho rằng động thái này "vội vàng" và cần được tham vấn kỹ càng với các chuyên gia. Gregory Meeks, nghị sĩ Dân chủ hàng đầu tại ủy ban, nói ông hiểu những lo ngại liên quan TikTok nhưng phản đối DATA. Ông cho rằng trước khi thông qua một dự luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, tự do ngôn luận, quốc hội Mỹ phải tham vấn đầy đủ với chính quyền và các bên liên quan khác.
Nhiều tổ chức tự do dân sự và vì quyền kỹ thuật số đã lên tiếng phản đối DATA. Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ALCU) ngày 28/2 kêu gọi quốc hội Mỹ không cấm TikTok bởi điều này ảnh hưởng đến quyền của hàng triệu người theo Tu chính án Thứ nhất về tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí.
Số khác cho rằng nếu lo ngại Trung Quốc có thể lấy các dữ liệu mà TikTok thu thập, các nghị sĩ Mỹ nên tập trung thông qua các chính sách riêng tư liên bang để áp dụng với tất cả các công ty.
Fight for the Future, tổ chức vì quyền lợi kỹ thuật số, cuối ngày 1/3 triển khai chiến dịch #DontBanTikTok (Đừng cấm TikTok) trên mạng xã hội. Nhóm cho rằng TikTok chỉ là một phần của vấn đề và các nghị sĩ nên "nghiêm túc" khi bàn về luật bảo vệ dữ liệu riêng tư cũng như cho ngành công nghệ.
"Chúng tôi không cần sự thổi phồng về TikTok. Chúng tôi cần luật về minh bạch và riêng tư, và các hành động chống độc quyền để ngăn các công ty làm giàu từ những dữ liệu của họ", nhóm viết.
TikTok đang đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của phương Tây trong những tháng gần đây vì lo ngại Bắc Kinh có thể thu thập dữ liệu người dùng.
Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan an ninh quốc gia quyền lực, hồi năm 2020 nhất trí khuyến nghị ByteDance thoái vốn TikTok vì lo ngại dữ liệu người dùng có thể bị thu thập trái phép để chuyển cho chính phủ Trung Quốc.
TikTok và CFIUS đã đàm phán hơn hai năm về các yêu cầu bảo mật dữ liệu. TikTok cho biết họ đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực đảm bảo an ninh dữ liệu và bác bỏ cáo buộc do thám. Ông Meeks muốn tiếp tục nỗ lực đàm phán này. Trong khi đó, giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew dự kiến trình diện trước Ủy ban Năng lượng và Thương mại Mỹ vào ngày 23/3.
Như Tâm (Theo TASS, Washington Post)