Mục đích của quỹ Con đường Tơ lụa là "phá vỡ nút thắt cổ chai về kết nối" trong vùng, SCMP dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 8/11 nói trong buổi gặp lãnh đạo nhiều nước như Bangladesh, Campuchia, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Pakistan và Tajikistan. Cuộc họp diễn ra ở Bắc Kinh nhằm thảo luận về sự phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo ông Tập, quỹ sẽ được dùng để cấp vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, đồng thời, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp và tài chính, từ đó tạo ra mối liên kết bền chặt hơn giữa các nước dọc theo "Con đường Tơ lụa mới". Đây là một phần trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm hồi sinh giao thương dọc tuyến đường nối giữa Trung Quốc và Địa Trung Hải.
Quỹ "hoan nghênh" sự tham gia chủ động của các nhà đầu tư từ cả trong và ngoài châu Á. "Một cơ cấu như vậy sẽ thích ứng với nhu cầu của nhiều quốc gia khác nhau và bao phủ cả các dự án trên đất liền và trên biển", Xinhua dẫn lời ông Tập cho biết.
"Chiến lược Con đường Tơ lụa thách thức chính sách 'trục châu Á' của Tổng thống Mỹ Barack Obama bằng cách sử dụng sức thu hút của thương mại và đầu tư". Zhou Fangyin, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Quảng Đông, nhận xét. "Tôi nghĩ nó sẽ đem lại hiệu quả khi nhiều nước châu Á đang rất quan tâm đến phát triển hạ tầng nhưng gặp khó khăn do thiếu thốn về vốn và công nghệ".
Qiao Mu, trưởng khoa tại Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, nhận định, thúc đẩy kinh tế là "cách dễ dàng và hiệu quả nhất" để Trung Quốc cải thiện mối quan hệ với láng giềng, nhưng sách lược này cũng gây ra mối đe dọa ở trong nước. "Tôi sợ rằng đầu tư hào phóng quá mức sẽ khiến công chúng phản đối bởi mảng giáo dục và y tế của ta vẫn cần hỗ trợ tài chính", Qiao nói.
Vũ Hoàng