Chiến phản lực thân hẹp C919 có sức chứa 168 hành khách, được sản xuất tại một nhà máy ở Thượng Hải từ hơn một năm nay. Các công nhân lắp ráp dưới sự giám sát của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), AFP cho biết.
Với Trung Quốc, chiếc máy bay này đại diện cho nhiều năm nỗ lực giảm phụ thuộc vào Airbus và Boeing. Thậm chí, họ giờ còn có thể cạnh tranh với hai gã khổng lồ về sản xuất máy bay này. "Hoàn thành chiếc C919 là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành sản xuất máy bay Trung Quốc", Jin Zhuanglong - Chủ tịch COMAC cho biết.
C919 có tầm bay lên tới 5.555 km. Tuy nhiên, nó sẽ không bay thử nghiệm năm nay như dự tính ban đầu, Jin cho biết, mà có thể lùi sang năm tới.
Dù máy bay này được sản xuất tại Trung Quốc, các hãng nước ngoài vẫn đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp hệ thống cũng như động cơ. Chi phí cho C919 vẫn chưa được tiết lộ. Tháng trước, Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc tuyên bố sẽ cho vay COMAC 7,9 tỷ USD, phục vụ cho các dự án chế tạo máy bay.
COMAC hiện có đơn hàng 517 chiếc C919, phần lớn từ người mua trong nước. Với nhóm khách hàng nước ngoài, City Airways của Thái Lan đã đặt tới 10 chiếc.
COMAC từng sản xuất loại phi cơ nhỏ hơn, có tên ARJ, với 78-90 chỗ ngồi. Loại máy bay này vẫn đang bay thử nghiệm và chờ giấy phép của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Họ cũng đang lên kế hoạch chế tạo máy bay thân rộng C929, hợp tác với United Aircraft (Nga).
Trung Quốc được dự báo cần thêm 6.330 máy bay mới, trị giá 950 tỷ USD cho đến năm 2034, Boeing cho biết. Tháng trước, COMAC đã đồng ý mua 300 máy bay hãng này trị giá 38 tỷ USD.
Tuần trước, trong chuyến thăm của Thủ tướng Đức - Angela Merkel tới nước này, Trung Quốc cũng đồng ý mua 100 chiếc A320 của Airbus, trị giá 9,7 tỷ USD. Họ cũng xác nhận có thể mua thêm 30 chiếc A330 nữa.
Hà Thu