Ông Peter Harbison - Chủ tịch Hiệp hội hàng không châu Á – Thái Bình Dương cho biết hai phần ba đơn đặt hàng máy bay trên toàn thế giới đến từ từ châu Á – Thái Bình Dương và Trung Đông. "Việc này hứa hẹn sẽ làm thay đổi bộ mặt của hàng không thế giới trong thập kỷ tới", ông nói.
Tổng cộng, có 2.226 đơn đặt hàng máy bay từ châu Á và 710 từ Trung Đông. Trong khi toàn thế giới có tất cả 5.601 đơn đặt hàng, 1.438 của châu Âu, 798 từ Bắc Mỹ và chỉ có 429 ở Nam Mỹ.
Trung Quốc là nước đi đầu trong trào lưu này, vì số lượng hành khách đi máy bay trong 5 năm qua ở quốc gia này đã tăng trưởng với tốc độ hai con số. Thị trường Nhật Bản đang suy yếu đến mức nước này phải cắt giảm số lượng máy bay của mình. Do vậy, hàng không Trung Quốc hiện chiếm tới 40% số lượng đơn đặt hàng máy bay trên toàn châu Á.
Lưu lượng hành khách tại đây lên tới 21,5 triệu người vào tháng 5 – tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, 93% số này là di chuyển nội địa. Ông Harbison cho rằng thị trường trong nước ở đây đang thực sự bùng nổ và tạo ra nhu cầu lớn cho máy bay thân hẹp, chặng ngắn. Và nếu hàng không Trung Quốc có ý định phát triển ra quốc tế, họ sẽ lại có nhu cầu về máy bay đường dài với kích cỡ lớn hơn.
Thực tế, nhu cầu về máy bay thân rộng là khá rõ ràng ở các nước phương Đông. Trong tổng số 1.906 đơn đặt hàng máy bay thân dài toàn thế giới, có 1.211 từ châu Á và Trung Đông. Những máy bay này đa phần là Boeing 787 và Airbus A350, đảm nhiệm các chuyến bay thẳng tới các thành phố nhỏ. Cùng với việc tự do hóa ra vào tại các sân bay của châu Á, các trung tâm giao thông mới sẽ bùng nổ.
Mô hình máy bay C919 của COMAC trưng bày tại Triễn lãm hàng không châu Á Asian Aerospace 09 ở Hong Kong, Trung Quốc tháng 9/2009. |
Hàng không Trung Quốc vẫn còn thua Mỹ về quy mô. Năm 2009, Delta Air Lines chuyên chở tới 161 triệu lượt khách quốc tế và trở thành hãng hàng không lớn nhất thế giới. Trái lại, China Southern – hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc về lượng hành khách, lại chỉ chở được 61 triệu hành khách vào năm ngoái. Nhưng China Southern đang trên đà phát triển mạnh với 316 máy bay đang hoạt động và 134 chiếc đang đặt hàng. Ngược lại, Delta có 446 máy bay đang vận hành nhưng chỉ đặt hàng thêm 38 chiếc.
Harbison nói: “Đây là nơi bạn nhìn thấy tương lai”. Năm ngoái, lượng hành khách của Delta đã giảm 10 triệu người so với năm trước đó. Trong khi China Southern lại tăng thêm 3 triệu lượt.
Xu hướng này đúng với tất cả các hãng hàng không của Trung Quốc. China Eastern – hãng hàng không lớn thứ hai của nước này, đã chở 44 triệu lượt khách vào năm ngoái, tăng 7 triệu so với năm trước đó. Hãng này cũng đang có 244 máy bay cùng với 102 chiếc đang đặt hàng.
Air China là thành viên cuối cùng trong tam hùng của ngành hàng không Trung Quốc. Năm ngoái, họ chở 40 triệu lượt hành khách và điều hành phần lớn các chuyến bay quốc tế tại nước này. Họ có 244 máy bay và 139 chiếc đang đặt hàng.
Các máy bay mới của Air China được chia đều cho hai hãng Boeing và Airbus với số lượng đơn hàng kỷ lục, gồm 37 chiếc Boeing 737 và 30 chiếc A320. China Southern cũng vậy, họ cũng tạo sự cân bằng giữa hai hãng Airbus và Boeing, đơn đặt hàng chính cũng rơi vào 737 và A320. Còn lượng đặt hàng của China Eastern lại nghiêng về A320 với 62 chiếc.
Ngành công nghiệp chế tạo máy bay ở Trung Quốc chỉ đang ở giai đoạn bắt đầu. Nhưng nước này đang hợp tác với cả Boeing và Airbus để tự làm ra máy bay của riêng mình. Tập đoàn sản xuất máy bay của Trung Quốc COMAC đang phát triển những chiếc phản lực chở khách đầu tiên ở nước này mà họ gọi là C919. Theo Beijing Daily, China Eastern, China Southern và Air China có thể sẽ là khách hàng tiềm năng của tập đoàn này, và đơn hàng đầu tiên có thể sẽ đến trước cuối năm nay.
Honeywell International vừa giành được hợp đồng trị giá hơn 1 tỷ USD để cung cấp hệ thống kiểm tra máy bay cho C919. Họ nói rằng các máy bay này sẽ được dự định đi vào hoạt động năm 2016, với hơn 2000 chiếc sẽ được hoàn thành trong thập kỉ tới.
Trung Quốc đang xây dựng một ngành công nghiệp hàng không khổng lồ bao gồm cả máy bay quân sự, thương mại và phụ tùng. Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc là một doanh nghiệp nhà nước có hơn 400.000 nhân viên và 200 chi nhánh. Vì vậy, sẽ chẳng có gì là ngạc nhiên nếu các công ty Trung Quốc thách thức cả Airbus và Boeing. Nhưng vấn đề là họ sẽ mất bao lâu để trở thành đối thủ đáng gờm của hai hãng hàng không lớn nhất thế giới này.
Harbison nói: “Tôi nghĩ mọi người đều rất thực tế khi cho rằng sớm muộn gì thì việc đó cũng xảy ra. Vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi. Họ đang đặt mục tiêu trở thành những công ty tiềm năng trong nửa cuối thập kỉ này. Tuy nhiên, có lẽ phải cần một khoảng thời gian dài để biến họ từ những người tiềm năng trở thành những người lĩnh xướng trên thương trường”.
Hà Thu (theo CNBC)