Một doanh nhân giấu tên trong ủy ban điều hành Hiệp hội AI Trung Quốc gần đây xác nhận nước này thua kém Mỹ về năng lực tính toán chủ yếu do hạn chế về chip đồ họa (GPU).
"Chúng tôi không có chip mạnh như Nvidia A100, phải khắc phục bằng cách sử dụng chip yếu hơn, dùng số lượng bù chất lượng. Tuy nhiên, sức mạnh xử lý vẫn là yếu tố cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định với cuộc cạnh tranh hiện nay", người này nói.
A100 ra mắt năm 2020 với giá 10.000 USD, phát triển trên kiến trúc Ampere dùng trong chip đồ họa GeForce RTX 3000. Chip được tối ưu hóa cho nhiệm vụ học máy và chuyên hoạt động trong máy chủ tại các trung tâm dữ liệu, được coi là thành phần thiết yếu của ngành công nghiệp AI.
GPU chiếm ưu thế vượt trội so với CPU nhờ khả năng tiến hành đồng thời hàng loạt tính toán đơn giản, đóng vai trò quan trọng với việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), cũng như huấn luyện và sử dụng mạng thần kinh nhân tạo.
Lời thừa nhận được đưa ra trong bối cảnh ChatGPT thu hút hàng triệu người sử dụng, thúc đẩy hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tích hợp vào hệ thống hoặc tìm cách phát triển AI có tính năng tương tự để cạnh tranh.
Trung Quốc cũng không đứng ngoài xu thế, khi hàng loạt hãng khổng lồ công nghệ như Alibaba, Baidu, Tencent cũng đang xây dựng chatbot riêng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo công ty Trung Quốc có thể gặp nhiều trở ngại và chậm chân trong cuộc đua phát triển sản phẩm như ChatGPT, do hạn chế ngày càng nghiêm ngặt trong tiếp cận bán dẫn tiên tiến.
Triển khai lượng lớn GPU hiệu năng cao như A100 giúp giảm đáng kể thời gian huấn luyện AI, vốn đòi hỏi xử lý lượng dữ liệu khổng lồ. Với mô hình đứng sau ChatGPT, tham số huấn luyện đã tăng vọt từ 120 triệu hồi năm 2018 lên gần 180 tỷ trong năm 2020, theo tài liệu nghiên cứu của TrendForce.
"Số lượng chip A100 cần thiết để thương mại hóa mô hình của ChatGPT có thể vượt mức 30.000", TrendForce nhận định.
Các dòng CPU và GPU tiên tiến của Intel, AMD và Nvidia đang được các nhà cung cấp dịch vụ đám mây AI của Trung Quốc sử dụng rộng rãi. Chính phủ Mỹ hồi tháng 8/2022 cấm Nvidia bán chip A100 và bản kế nhiệm H100 cho khách hàng Trung Quốc nếu không có giấy phép. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm hạn chế Bắc Kinh tiếp cận chip bán dẫn hiện đại.
Nvidia sau đó công bố một số sản phẩm thay thế cho khách hàng Trung Quốc với tính năng thấp hơn theo quy định xuất khẩu của Mỹ. Một quản lý bán hàng thuộc Sitonholy, đối tác của Nvidia tại Trung Quốc, cho biết những dòng chip này đáp ứng được phần lớn nhu cầu của khách hàng trong nước.
Trong khi đó, ngay cả khi nhà sản xuất Trung Quốc thiết kế được GPU phức tạp như A100, họ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc chế tạo do những lệnh cấm vận của Mỹ.
Ngành bán dẫn nội địa Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào phần mềm, thiết bị và công nghệ nhập khẩu - vấn đề không dễ khắc phục trong ngắn hạn. Một giám đốc tại UnilC Semiconductors, công ty con của Tsinghua Unigroup, thừa nhận họ gặp hàng loạt thách thức trong nỗ lực tiếp cận công nghệ sản xuất chip tiên tiến.
"Quá trình sản xuất thử nghiệm có thể đối mặt nhiều hạn chế nếu năng lực xử lý của chip AI hoặc GPU vượt giới hạn do Mỹ áp đặt. Trung Quốc có cơ hội triển khai quy trình sản xuất 7 nm và 5 nm, nhưng thiếu công cụ chế tạo", người này cho hay.
Chính phủ Mỹ tháng 10/2022 cũng siết quy định xuất khẩu nhằm ngăn Trung Quốc mua thiết bị sản xuất chip hiện đại, hạn chế các nhà sản xuất nước ngoài cung cấp cho khách hàng Trung Quốc các dòng chip dùng công nghệ Mỹ có khả năng tính toán trên 4.800 TeraOPS.
"Phát triển GPU không phải phép thuật hắc ám và Trung Quốc vẫn có cơ hội bắt kịp với những công nghệ như ChatGPT. Tuy nhiên, xuất phát điểm chậm hơn có thể khiến khoảng cách ngày càng kéo dài", một kỹ sư cấp cao tại Nvidia nói.
Điệp Anh (Theo SCMP)