"Trung Quốc và Sri Lanka từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đã luôn ủng hộ và thấu hiểu lẫn nhau", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong họp báo ngày 12/4. "Trung Quốc đang và sẽ làm hết sức mình để giúp Sri Lanka cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội".
Ông Triệu đưa ra tuyên bố này khi được hỏi về thông tin Sri Lanka đề nghị Trung Quốc hỗ trợ tài chính, trong bối cảnh Bộ Tài chính Sri Lanka tuyên bố nước này vỡ nợ và không đủ khả năng trả khoản nợ nước ngoài 51 tỷ USD.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đề cập tới đề nghị được Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đưa ra tháng 12/2021, trong đó bày tỏ mong muốn Bắc Kinh giãn nợ cho quốc đảo ở Nam Á.
Tổng thống Rajapaksa từng cho rằng tái cơ cấu các khoản nợ của Sri Lanka là giải pháp cho thảm họa tài chính phát sinh khi nước này hứng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, lĩnh vực mang lại nguồn thu chính cho đất nước.
Đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka Thích Chấn Hoành hồi tháng 3 cho biết Bắc Kinh đang xem xét gói tín dụng trị giá 2,5 tỷ USD cho Colombo. Tuy nhiên, ông Thích không trả lời cụ thể khi được hỏi liệu Trung Quốc có thể tái cơ cấu khoản nợ của Sri Lanka hay không.
Ấn Độ, quốc gia láng giềng phía bắc của Sri Lanka, thông báo tăng một tỷ USD tín dụng cho Sri Lanka trong gói hỗ trợ tiền tệ để giúp quốc đảo Nam Á đối phó với thảm họa tài chính. Ấn Độ hồi tháng 2 gia hạn gói tín dụng 500 triệu USD để hỗ trợ Sri Lanka nhập khẩu xăng dầu.
Sri Lanka được cho là nợ Trung Quốc khoảng 1,5-2 tỷ USD trong năm nay. Toàn bộ khoản vay và đầu tư của Trung Quốc vào Sri Lanka trong vài năm qua được ước tính hơn 8 tỷ USD. Sri Lanka đã chấp nhận để Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm để hoán đổi khoản nợ 1,2 tỷ USD.
Quốc đảo Nam Á tuyên bố vỡ nợ sau khi vật lộn với đợt suy thoái tồi tệ nhất từ khi giành độc lập, khi chính phủ nước này không còn ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng cần thiết. Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Sri Lanka nổ ra trong bối cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu và mất điện diện rộng.
Sri Lanka ký nhiều thỏa thuận vay nước ngoài, trong đó Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất, tiếp theo là Ấn Độ và Nhật Bản, nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chính sách quản lý tài chính yếu kém cùng tác động từ đại dịch Covid-19 đã khiến Sri Lanka ngập trong "núi nợ".
Các tổ chức đánh giá tín dụng quốc tế đã hạ mức tín dụng của Sri Lanka từ năm ngoái, khiến quốc gia này gần như không thể tiếp cận với thị trường vốn nước ngoài để vay thêm tiền trang trải chi phí nhập khẩu hàng hóa. Sri Lanka phải nhập khẩu hầu hết mặt hàng, từ sữa bột, gạo, xăng dầu cho tới dược phẩm, xi măng.
Nguyễn Tiến (Theo Times of India)