Kế hoạch cải tổ chương trình an sinh xã hội và xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội đa tầng nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo và những người dễ bị tổn thương ở cả nông thôn lẫn thành thị trong hai năm tới được Quốc vụ Viện Trung Quốc thông báo hôm 25/8.
Giới quan sát cho rằng những thay đổi này là rất quan trọng, bởi hệ thống an sinh xã hội hiện nay không còn phù hợp và Trung Quốc cần xây dựng một hệ thống mới để đáp ứng các yêu cầu của xã hội.
Kế hoạch cải tổ nhằm mục đích củng cố những thành tựu trong chương trình xóa đói giảm nghèo mà Trung Quốc theo đuổi, đồng thời cải thiện phúc lợi cho người dân. Nó kêu gọi hỗ trợ y tế, nhà ở, giáo dục và việc làm cho người già, trẻ em, người khuyết tật và những người sống bên ngưỡng nghèo đói.
Thông báo cũng nhấn mạnh đến yêu cầu tăng cường hỗ trợ cho các nạn nhân của những tình huống khẩn cấp hay thảm họa, bao gồm người bị tai nạn thương tích, bệnh hiểm nghèo, thiên tai, dịch bệnh.
Hệ thống mới tập trung vào hai nhóm người là những người nghèo và người cần cứu trợ tạm thời vì thiên tai hoặc tình huống khẩn cấp, Li Changan, chuyên gia về kinh tế lao động tại Đại học Kinh tế Đối ngoại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nói.
Theo Li, cải cách hệ thống trợ giúp xã hội là một phần quan trọng trong kế hoạch 5 năm tiếp theo của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2021, khi nước này dự kiến tuyên bố chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực vào cuối năm nay.
Khoảng 850 triệu người Trung Quốc được cho là đã thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực trong vòng 40 năm qua. Năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt ra thời hạn 5 năm để xóa sổ đói nghèo cùng cực.
"Những người vẫn còn nghèo sẽ ra sao khi chiến dịch xóa đói giảm nghèo của chúng ta kết thúc", Li đặt câu hỏi.
Theo ông, hệ thống an sinh xã hội mới nhằm giúp những người dân không nằm trong hệ thống an sinh hiện nay được đáp ứng các nhu cầu cơ bản.
Trung Quốc đưa ra một chương trình đảm bảo mức sống tối thiểu, hay còn gọi là "dibao", tại các khu vực thành thị từ những năm 1990. Họ mở rộng chương trình trên sang các khu vực nông thôn vào đầu những năm 2000 với hy vọng chấm dứt đói nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo tại nông thôn.
Tuy nhiên, chương trình vấp phải không ít chỉ trích về nhiều phương diện khác nhau, trong đó có cả vấn đề tham nhũng.
Geoffrey Crothall, giám đốc truyền thông tại China Labour Bulletin, một tổ chức về quyền lao động có trụ sở tại Hong Kong, cho biết các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh hiểu rõ rằng hệ thống hiện tại tồn tại một số lỗ hổng và cần cải tổ.
"Nếu không thực hiện các nỗ lực cải cách, những vấn đề tồn tại sẽ chỉ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn và có thể dẫn tới một số bất ổn xã hội trong tương lai", ông nhận định.
Theo Crothall, một vấn đề tồn tại phổ biến của chương trình hiện nay là tiền hỗ trợ quá thấp, không mang lại nhiều ý nghĩa.
Kể từ thời điểm hệ thống mức sống tối thiểu được thiết lập, mức tăng lương tối thiểu của chính quyền địa phương đã không theo kịp mức tăng lương trung bình.
Trong thông báo ngày 25/8, Quốc vụ Viện Trung Quốc cho biết các tiêu chuẩn trong chương trình "dibao" cần được điều chỉnh phù hợp với lạm phát và nên tính đến mức thu nhập của địa phương.
Nhưng Crothall cho rằng với tình trạng tham nhũng trong bộ máy chính quyền ở một số địa phương, không có gì đảm bảo những người xứng đáng sẽ được nhận hỗ trợ.
"Ở các cộng đồng nông thôn, thông thường, trưởng thôn sẽ là người quyết định xem ai được hưởng hỗ trợ tài chính để duy trì mức sống tối thiểu", ông nói. "Tất cả phụ thuộc vào mối quan hệ giữa bạn với các quan chức có quyền quyết định".
Crothall lưu ý rằng những thay đổi trong hệ thống mới phải chắc chắn được rằng những người cần tiền sẽ nhận được hỗ trợ và không có tham nhũng. "Nhưng điều này thực sự khó", ông cho biết thêm.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)