Thông tin được Hao Hong - Kinh tế trưởng tại Bank of Communications tiết lộ. Theo đó, số tiền trên mới chỉ được cấp cho một ngân hàng qua nghiệp vụ bơm thanh khoản ngắn hạn. Nhiều nhà băng khác cũng đang đàm phán để được cấp thêm vốn. Hong nhận xét đây là "việc sử dụng cơ chế hợp lý và đúng đắn".
Việc bơm tiền "chính là những gì chúng tôi trông đợi", Wee-Khoon Chong - chiến lược gia tại Societe Generale Hong Kong cho biết. "Ổn định thị trường luôn là ưu tiên hàng đầu với các nhà quản lý và ngân hàng trung ương", Chong cho biết.
Lãi suất cho vay liên ngân hàng đã tăng lên kỷ lục ngày hôm qua (20/6) khi giới chức Trung Quốc từ chối sử dụng các nghiệp vụ thị trường mở để giải quyết cơn khát tiền mặt trong nước. Lãi suất cho vay qua đêm đã tăng kỷ lục 5,27% lên 12,85% tại Thượng Hải..
Zhou Hao, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng ANZ Thượng Hải nhận xét: "Thị trường phản ứng như vậy không chỉ do thiếu thanh khoản mà còn vì lập trường chính sách tại Trung Quốc khó thay đổi. Tôi cho rằng đến giữa tháng 7, thanh khoản cũng chẳng cải thiện được nhiều". Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng ám chỉ Bắc Kinh đang lưỡng lự trước việc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ và tài khóa để chống lại suy giảm kinh tế, nhưng vẫn phải tăng trưởng bền vững.
Số kỳ phiếu ngân hàng trung ương đáo hạn trong tuần này chỉ có thể bơm thêm 28 tỷ NDT vào thị trường tài chính, giảm mạnh so với 92 tỷ NDT tuần trước. PBOC cho biết các ngân hàng Trung Quốc cần nỗ lực hỗ trợ cải tổ kinh tế và kiềm chế rủi ro.
Các ngân hàng cạn kiệt tiền mặt do vốn đầu tư nước ngoài giảm đột ngột, các công ty không chuyển ngoại tệ thành NDT, khiến ít nội tệ chảy vào nền kinh tế. Bên cạnh đó, nhu cầu tiền mặt gần đây tăng cao cũng khiến các nhà băng phải liên tiếp chi trả cho những khách hàng mua sản phẩm đầu tư của họ.
Thùy Linh (theo Bloomberg)