Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay ngang nhiên cho rằng truyền thống quân đội nước này là giúp những người cần giúp, trong cam kết "hết lòng phục vụ nhân dân". Bộ này phản pháo khi Mỹ nghi ngờ lý do Trung Quốc sử dụng máy bay quân sự thay vì dân sự để cấp cứu người.
"Chúng tôi không thể không hỏi: Nếu một công dân Mỹ đột nhiên bị bệnh trên đất Mỹ, liệu quân đội Mỹ sẽ khoanh tay đứng nhìn hay không?", Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố, nhắc lại tuyên bố chủ quyền phi lý với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc còn ngang nhiên nói Mỹ "không có quyền" bình luận về hoạt động cải tạo phi pháp của nước này.
CNN dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis hôm qua nói hiện chưa rõ lý do Trung Quốc sử dụng máy bay quân sự thay vì máy bay dân sự đáp lên đá Chữ Thập. Ông Davis cũng hối thúc Trung Quốc tái khẳng định sẽ không triển khai hoặc luân phiên máy bay quân sự tại các tiền đồn phi pháp ở quần đảo Trường Sa, tuân thủ những lời đảm bảo trước đó.
Theo China News, máy bay Y-8 của hải quân Trung Quốc mang số hiệu 9271 hôm 17/4 ngang nhiên bay ra đá Chữ Thập, sau khi nhận lệnh đưa ba công nhân bị bệnh bay về thành phố Tam Á, đảo Hải Nam để điều trị. Trước đó, máy bay này đang thực hiện nhiệm vụ được cho là tuần tra tại Biển Đông. Khoảng 13h50 cùng ngày, phi cơ hạ cánh xuống sân bay Phượng Hoàng ở Tam Á.
Đường băng trên đá Chữ Thập dài 3.000 m, là một trong ba đường băng Bắc Kinh thực hiện trái phép. Trung Quốc từ 2014 cải tạo và xây dựng phi pháp ít nhất 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đầu tháng một, Trung Quốc liên tục thử nghiệm hạ cánh ở đường băng trên đảo nhân tạo nước này xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi tháng một gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối Trung Quốc điều máy bay phi pháp ra đá Chữ Thập. Việt Nam cho rằng hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc và tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không tái diễn các hành động tương tự, có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trọng Giáp