"Nhiều khả năng Trung Quốc đã phóng thử tên lửa đạn đạo diệt hạm siêu vượt âm mang mã 'NB' từ một oanh tạc cơ chiến lược H-6K được chỉnh sửa. Loại vũ khí này có thể mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân", Sputnik dẫn lời Hans Kristensen, giám đốc dự án Thông tin hạt nhân tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), hôm qua cho biết.
Chiếc H-6K nhiều khả năng thuộc biên chế Sư đoàn oanh tạc cơ số 10, đóng tại thành phố An Khánh, tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc. Nguồn tin quân sự giấu tên tiết lộ cuộc phóng thử đã thành công, nhưng không cho biết thời gian và địa điểm diễn ra thử nghiệm.
Hồi đầu năm nay, tình báo Mỹ khẳng định không quân Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 5 vụ thử tên lửa đạn đạo hai tầng dùng nhiên liệu rắn CH-AS-X-13 có tầm bắn tới 3.000 km. Đây bị nghi là biến thể phóng từ máy bay của tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21, sử dụng vật liệu composite để giảm khối lượng.
Giới chuyên gia Mỹ cho rằng loại vũ khí này có khả năng đe dọa lãnh thổ Mỹ và sẽ được đưa vào biên chế năm 2025. "Nó có nhiều nét tương đồng với tên lửa diệt hạm siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal, vốn được phát triển từ tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander để trang bị cho tiêm kích MiG-31 và oanh tạc cơ Tu-22M3", Kristensen nhận định.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng tên lửa Bắc Kinh vừa bắn thử là mẫu CJ-10K, được chế tạo dựa trên thiết kế tên lửa hành trình Kh-55 do Liên Xô phát triển vào thập niên 1980. Trung Quốc mua 6 quả đạn Kh-55 từ Ukraine vào những năm 1990 để sao chép, cho ra đời dòng CJ-10K từ năm 2004.