Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm nay xác nhận Hứa Quốc Tấn đã bị dẫn độ từ Mỹ về nước. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) hôm 14/11 thông báo Hứa bị "cưỡng chế dẫn độ", gọi đây là bước tiến đáng kể trong vụ án kéo dài 20 năm.
Vụ án Ngân hàng Trung Quốc (BOC) gây chấn động 20 năm trước vì số tiền lớn, được nhiều người coi là ví dụ điển hình về nạn tham nhũng trong hệ thống ngân hàng nhà nước. Hứa Quốc Tuấn, cựu giám đốc chi nhánh BOC ở huyện Khai Bình, tỉnh Quảng Đông bị nghi cấu kết với hai người tiền nhiệm là Hứa Siêu Phàm và Dư Chấn Đông tham ô, biển thủ 485 triệu USD và rửa tiền qua Las Vegas, Macau.
Vợ chồng Hứa Quốc Tuấn và Hứa Siêu Phàm bỏ trốn sang Mỹ năm 2001. Năm 2008, bồi thẩm đoàn bang Nevada kết luận hai cặp vợ chồng phạm tội gian lận, rửa tiền, vận chuyển tài sản bị đánh cắp, gian lận hộ chiếu và thị thực. Hứa Quốc Tuấn bị tuyên án 22 năm tù.
Công tố viên cho hay hai cặp vợ chồng đã di cư tới Mỹ bằng cách sử dụng danh tính giả và đưa ra bằng chứng về các giao dịch của họ tại sòng bạc ở Las Vegas, bao gồm nhiều khoản cá cược lên tới 80.000 USD.
CCDI thông báo giới chức Trung Quốc đã thu hồi được hơn hai tỷ nhân dân tệ (313 triệu USD) tiền bị biển thủ. Dư Chấn Đông và Hứa Siêu Phàm đã bị dẫn độ về nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi xướng chiến dịch chống tham nhũng từ khi lên nắm quyền năm 2012. Lực lượng thực phi pháp luật Trung Quốc liên tục truy lùng quan chức tham nhũng trốn ra nước ngoài, trong đó nhiều người đã sang Mỹ, quốc gia không ký hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.
Điều này khiến hai bên phải đàm phán dẫn độ với từng trường hợp cụ thể. Quá trình này bị chậm lại dưới thời cựu tổng thống Donald Trump do chiến tranh thương mại và đối đầu trong các vấn đề như Đài Loan, Hong Kong.
Hồng Hạnh (Theo Bloomberg)