"Các giả thuyết như vậy đều không đúng. Với tư cách là quốc gia láng giềng thân thiện của Myanmar, chúng tôi muốn các bên ở nước này có thể giải quyết bất đồng một cách thích hợp và duy trì ổn định chính trị xã hội", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong cuộc họp báo ngày 3/2.
Tuyên bố này được ông Uông đưa ra khi trả lời câu hỏi về thông tin nước này "ủng hộ hoặc ngầm bật đèn xanh" cho vụ đảo chính ở Myanmar.
Tin đồn được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng trước có chuyến thăm theo kế hoạch tới thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar và gặp nhiều quan chức nước này, trong đó có thống tướng Min Aung Hlaing, người lên nắm quyền lãnh đạo sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
Quân đội Myanmar sáng 1/2 đột kích bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD), sau nhiều ngày leo thang căng thẳng về cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020.
Sau cuộc đảo chính, thống tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanamar, được trao lại mọi quyền lực cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức vào năm sau. Tướng Hlaing khẳng định việc quân đội Myanmar tiếp quản quyền lực là "phù hợp với luật pháp" vì chính quyền không thể phản hồi những bất bình của họ về cáo buộc gian lận bầu cử.
Trung Quốc ngày 2/2 kêu gọi cộng đồng quốc tế tránh leo thang căng thẳng ở Myanmar trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn cấp bàn về cuộc đảo chính. Các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ sau đó bất đồng và chưa thể ra tuyên bố chung, một nguồn tin cho biết Trung Quốc và Nga yêu cầu thêm thời gian để thảo luận.
Dự thảo tuyên bố chung do Anh đề xuất dự kiến kêu gọi khôi phục chính phủ dân sự tại Myanmar, thả các quan chức bị bắt hôm 1/2 và đề nghị quân đội nước này bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, song không đề cập tới các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, dự thảo chưa được thông qua do không được ủng hộ từ Trung Quốc, quốc gia có quyền phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Các ngoại trưởng G7 gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ sau đó ra tuyên bố chung bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Myanmar và hối thúc quân đội nước này thả những người bị bắt.
Lãnh đạo một số quốc gia và các tổ chức quốc tế bày tỏ hy vọng Myanmar giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình, đồng thời mong tình hình nước này sớm trở lại ổn định. Một số cuộc biểu tình phản đối vụ đảo chính hôm 1/2 nổ ra ở một số nước như Thái Lan và Nhật Bản.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)