- Album "Khởi hành" đem lại cho anh hai đề cử trong hạng mục "Album của năm" và "Nghệ sĩ mới của năm" tại giải Cống Hiến năm nay. Ngoài sự công nhận của truyền thông, công chúng, anh đã thu được gì nhờ album này?
- Tôi đã lãi rất nhiều thứ sau khi ra album Khởi hành. Không chỉ bán được đĩa, cát-xê của tôi tăng gấp ba so với trước đây. Nhưng thành công của sản phẩm âm nhạc mới không chỉ là chuyện tiền bạc. Trước đây, tôi không được khán giả đánh giá cao vì hát quá... tạp nham, lúc thì pop, R&B, jazz khi lại dân gian đương đại. Đĩa Khởi hành đặt dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp khi tôi xác định được con đường thực sự của mình là dòng nhạc điện tử.
- Lý do nào khiến anh chọn dòng nhạc điện tử để theo đuổi?
- Khi mới giới thiệu Khởi hành, nhiều người can tôi: "Ra nhạc thế này thì ai nghe. Làm nghệ sĩ là phải nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền". Tôi bị căng thẳng trong thời gian dài vì không biết chọn con đường nào mới đúng. Nhạc sĩ Khắc Hưng - người bạn thân và cũng là nhà sản xuất âm nhạc từng nói, dù hình ảnh của tôi đang quá an toàn thì vẫn còn đó những bầu show, khán giả lặng lẽ dõi theo và ủng hộ. Họ yêu con người và giọng hát của Trung Quân thực sự.
Quả đúng vậy. Sau khi ra đĩa, tôi nhận được nhiều lời khen từ khán giả và các "đàn anh, đàn chị". Tôi nhớ có hôm đang biểu diễn trên Đà Lạt thì nhận được tin nhắn từ chị Hà Trần, một người nổi tiếng khó tính và ít khi nhận xét sản phẩm âm nhạc của người khác. Sau những lời căn dặn đầy xúc động, chị bảo tôi: "Em hãy đi theo con đường mình chọn và phải nghiệt ngã với nó hơn nữa". Tôi thấy vững tin hơn với những gì đang làm.
- Lựa chọn con đường khó đi, anh nghĩ thế nào khi nhìn sang những ca sĩ đồng trang lứa sớm thành danh như Sơn Tùng M-TP, Hương Tràm?
- Với một người trẻ như tôi, việc định hình con đường rõ ràng không phải chuyện đơn giản. Nếu nhìn vào những người như Sơn Tùng M-TP đang nổi tiếng về tên tuổi, lời mời diễn show nhiều, chuyện nôn nóng không thể tránh khỏi. Tuy vậy, tôi là bạn thân của Tùng nên hiểu những gì cậu ấy phải trải qua và đánh đổi cũng khủng khiếp chứ không êm ả như mọi người tưởng.
Có người nói tôi đang tự giới hạn bản thân nhưng không hẳn. Bản thân tôi cũng từng nghĩ đến việc gây tranh cãi. Nhưng sự tranh cãi mà tôi muốn phải liên quan đến âm nhạc hơn là những gì thuộc về đời tư. Và đó phải là những tranh cãi mang tính tích cực. Với tôi, điều sướng nhất là được làm nghề và chọn con đường khó khăn hơn những người khác. Nếu bảo tôi đi theo con đường của Sơn Tùng, Văn Mai Hương, Hương Tràm... với những việc như thường xuyên xuất hiện trước công chúng, tìm cách tạo hiệu ứng hoặc đối mặt với đủ kiểu scandal, chắc tôi không làm được.
- Anh cân bằng thế nào để vừa thỏa mãn đam mê âm nhạc cá nhân mà vẫn đáp ứng được số đông công chúng?
- Bên cạnh những ca khúc theo dòng nhạc chính, tôi vẫn biểu diễn những bài dễ nghe, quen thuộc để đến gần khán giản hơn. Thực ra, nghệ sĩ hiện đại ai cũng phải tính đến chuyện này. Nói như trường hợp của Hà Trần hay cả đến Tùng Dương, họ đều phải chịu áp lực vừa cống hiến để thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp âm nhạc nước nhà, vừa phục vụ thị hiếu nhu cầu của số đông. Sở dĩ những nghệ sĩ ấy vẫn trụ được đến hôm nay bởi họ không đánh mất mình vì công chúng. Tùng Dương Độc đạo nhưng vẫn có những bản Tình ca riêng để làm rung động khán giả. Hay như Hà Trần, dù hát nhạc bolero, chị không chọn cách thể hiện như những người khác mà mỗi bản thu đều phảng phất cá tính của người nghệ sĩ và có sự đầu tư nghiêm túc trong đó.
Một số người chọn cách diễn bar để đến gần khán giả hơn nhưng tôi nghĩ môi trường đó chưa phù hợp với bản thân lắm. Tôi thích khán giả thưởng thức âm nhạc của mình theo cách truyền thống hơn là trong men rượu, bia hay những cuộc dạo chơi về đêm. Nói vậy không có nghĩa là tôi không tôn trọng các ca sĩ hát quán bar, tôi nể họ là đằng khác. Điều quan trọng không phải đứng hát ở đâu mà là nghệ sĩ có lao động một cách thực sự và hết mình để phục vụ khán giả không.
- Thành công luôn đi kèm với sự đầu tư, đôi khi là đánh đổi. Anh nghĩ mình sẽ phải trả giá những gì để đạt được mốc ấy?
- Thứ tôi phải đánh đổi nhiều nhất đã, đang và sẽ mãi là thời gian. Trước đây, tôi là dân piano trong 9 năm. Sau đó phát hiện ca hát mới là niềm đam mê lớn nhất, tôi quyết định theo đuổi. Nhưng khi ấy tôi hát rất chán, thậm chí cô giáo tôi là ca sĩ Minh Ánh còn khuyên nên đổi nghề (cười). Thấy tôi vẫn quyết tâm, cô Minh Ánh đã theo sát, giúp đỡ tôi một thời gian dài. Để rồi hôm nay, tôi tìm được giọng hát của chính mình. Ngoài luyện thanh, tôi dùng thời gian để đầu tư cho các mối quan hệ. Nhưng tôi chỉ đánh đổi những gì hợp lý, xứng đáng với công sức lao động của mình.
- Gia đình hỗ trợ về tài chính và tinh thần như thế nào cho cuộc sống và sự nghiệp của anh?
- Điều may mắn nhất là bản thân tôi luôn nhận được sự ủng hộ tinh thần từ bố mẹ. Ngay từ bé, tôi được gia đình tạo điều kiện tiếp cận âm nhạc và theo đuổi đam mê. Đến khi lớn, chọn được con đường riêng, bố mẹ cũng không cấm cản tôi đến với âm nhạc, miễn là phải tự lực cánh sinh. Nói ra sợ mọi người không tin nhưng tất cả những gì có được hôm nay đều do một tay tôi làm nên. Ngoài đi diễn, tôi từng phải dạy thanh đến "rã cả họng" để kiếm từng đồng đầu tư cho dự án âm nhạc.
Cũng may gia đình không sốt ruột khi thấy tôi chưa nổi tiếng như các đồng nghiệp khác. Bố mẹ chỉ cần tôi lúc nào cũng vui vẻ, sống với đam mê, miễn là không dính líu đến những lùm xùm về luật pháp hay danh dự của bản thân lẫn gia đình. Còn tôi tự nhận thấy mình đi chậm nhưng chắc. Mọi điều tôi làm đều được đánh giá tích cực.
Đức Trí thực hiện