Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua kết thúc chuyến thăm hai ngày đến Bắc Kinh bằng cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, sau các cuộc hội đàm với người đồng cấp Dương Khiết Trì và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Ảnh: AFP |
Tại cuộc họp báo trước khi về nước, bà Clinton đã cố gắng giải thích mối quan hệ song phương phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc, mối quan hệ luôn nằm giữa ranh giới của tình hữu nghị và sự ngờ vực, giữa hợp tác và đối đầu.
"Hai quốc gia đang cố gắng làm một điều chưa từng có trong lịch sử", Washington Post dẫn lời bà nói. "Đó là trả lời cho câu hỏi rằng chuyện gì sẽ diễn ra khi một cường quốc lâu đời đối mặt với một cường quốc mới nổi".
Bà lưu ý rằng hai nước hiện đang đối mặt với những cơ hội và thách mới trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác cùng có lợi. Tuy nhiên, bất chấp những bất đồng, hai nước vẫn có nhiều quan điểm chung và hợp tác chặt chẽ. Mỹ sẽ tăng cường hoạt động giao lưu ở cả cấp cao và nhân dân với Trung Quốc, đồng thời tận dụng triệt để các cơ chế đối thoại khác nhau với hy vọng tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hợp tác song phương và góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung lên tầm cao mới.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn. Trong cuộc gặp với bà Clinton, ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh rằng "Mỹ cần tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, cần phải tính đến những lợi ích cốt lõi và cảm tình của người dân" quốc gia này. Ông lưu ý rằng quan hệ Trung-Mỹ có ảnh hưởng lớn trên thế giới và mối quan hệ này chỉ có thể đi đúng quỹ đạo thông qua các nỗ lực từ cả hai phía.
Vấn đề "chủ quyền" mà ông nhắc đến ở đây là cuộc tranh chấp lãnh thổ hàng hải trong những tháng gần đây giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, trong đó có hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Philippines, trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trước khi đến Bắc Kinh, tại Indonesia, bà Clinton đã kêu gọi các nước ASEAN đoàn kết cùng giải quyết những tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Bà hối thúc hai bên nhanh chóng thông qua bộ quy tắc ứng xử trên biển. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ muốn giải quyết vấn đề này theo song phương, thay vì đa phương.
Ông Ôn cho rằng Mỹ đang làm phức tạp quan hệ giữa hai nước. Mỹ từ lâu đã hiện diện quân sự trong khu vực và mới đây nhắc lại cam kết sẽ tập trung vào châu Á, khiến Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa. Ngay trước chuyến thăm của bà Clinton, truyền thông Trung Quốc đã đồng loạt đưa ra những bài viết cảnh báo Mỹ không "đứng sau các nước giật dây" và chấm dứt các chính sách đối đầu với Trung Quốc.
Ông Dương Khiết Trì trong cuộc gặp hôm 4/9, cũng nhấn mạnh vấn đề "chủ quyền" với bà Clinton. Ông cho rằng không có nơi nào mà Mỹ và Trung Quốc chia sẻ những lợi ích chung và tương tác thường xuyên hơn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
"Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ đảm bảo cho chính sách của mình phù hợp với thời đại và mong muốn chung của các quốc gia trong khu vực nhằm tìm kiếm hòa bình, phát triển và hợp tác", ông Dương nói.
Đáp lại, bà Clinton chỉ khẳng định rằng chính quyền Obama ủng hộ tự hàng hải và khuyến khích các cuộc đàm phán nhằm giải quyết bất đồng.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang trong chuyến công du dài 11 ngày, qua 6 nước châu Á-Thái Bình Dương. Sau Trung Quốc, bà sẽ sang Đông Timor và Brunei, trước khi có mặt ở Nga để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC 2012.
Anh Ngọc