Các lãnh đạo Mỹ và châu Âu ngày càng lo lắng trước việc Trung Quốc ứng dụng rộng rãi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng đến nay, hai đồng minh lâu năm vẫn chưa thống nhất được các quy tắc với công nghệ này.
Châu Âu dự kiến sớm đề xuất các quy định nghiêm ngặt về AI, nhằm tạo ra ảnh hưởng lớn hơn đối với công nghệ này. Trong khi đó, Mỹ lại chọn con đường đưa ra các nguyên tắc tự nguyện theo từng ngành. Nhưng giờ đây, các quan chức hai bờ Đại Tây Dương nói rằng, hai hướng đi này cần phải gặp nhau nhằm đối trọng với tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.
"Về mặt chiến lược, cả Mỹ và EU đều quan tâm đến Trung Quốc. Vì vậy, họ cần một chính sách công nghệ thừa nhận vai trò ngày càng lớn mà Trung Quốc có được trong lĩnh vực AI", Marc Rotenberg, Giám đốc Trung tâm Chính sách AI và Kỹ thuật số tại Michael Dukakis Institute, ở Boston (Mỹ), đánh giá.
Nền móng đầu tiên xuất hiện tại phiên điều trần ở EU hôm 1/3 vừa qua. Hạ nghị sĩ Mỹ Robin Kelly thúc giục các nghị sĩ EU đẩy nhanh nỗ lực "là người đầu tiên viết ra các quy định". Bà nói thêm rằng Mỹ và châu Âu cần sát cánh khi Trung Quốc tìm cách định hình cuộc chơi toàn cầu.
"Các quốc gia không có cùng giá trị dân chủ với chúng ta đang chạy đua để trở thành những người đi đầu trong lĩnh vực AI và đặt ra các quy tắc cho thế giới", bà Kelly nói, "Chúng ta không thể để chuyện này xảy ra".
AI giúp các chính phủ và ngành công nghiệp đạt được những mục tiêu lớn. Nước nào triển khai nhanh hơn sẽ có lợi thế về kinh tế. Vì AI có thể giám sát và giảm thiểu lượng khí thải từ các nhà máy sản xuất, cũng như cho phép các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh hơn và phát triển các phương pháp điều trị mới. Trong thực thi pháp luật và quốc phòng, phần mềm hỗ trợ AI giúp xác định tội phạm bị nghi ngờ hoặc nhắm mục tiêu trên chiến trường tốt hơn.
Tuy nhiên, những người ủng hộ quyền dân sự và người tiêu dùng đã đưa ra lo ngại về khả năng người lao động mất việc và đe dọa quyền riêng tư cá nhân. Mỹ và châu Âu cũng đang tìm cách giải quyết những "tác dụng phụ" đó. Vấn đề của họ là làm thế nào để cùng phát triển các bộ quy tắc để vừa bảo vệ quyền riêng tư nhưng không cản trở đổi mới, nhằm theo kịp Trung Quốc.
Trong một báo cáo được công bố hôm 1/2, Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về Trí tuệ Nhân tạo cho rằng nước này cần làm việc với châu Âu và các đồng minh khác để phát triển các quy tắc AI và đầu tư vào nghiên cứu, nhằm mang lại sự thịnh vượng về kinh tế lẫn quốc phòng trước sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát tín hiệu rằng Mỹ đã sẵn sàng hợp tác để đưa ra các chính sách vì "các giá trị dân chủ". Tháng trước, ông tuyên bố "liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại".
Tuy nhiên, vấn đề là Trung Quốc đang đổ một số tiền lớn vào việc phát triển AI và có lợi thế so với các đối thủ, như sở hữu số lượng lớn dữ liệu cần thiết để tạo ra các thuật toán máy tính và áp dụng ít hạn chế về cách chính phủ có thể sử dụng nó. Nước này cũng công bố các nguyên tắc đạo đức AI của riêng mình vào năm 2019, nhưng phương Tây vẫn tỏ ra hồ nghi.
Một thách thức khác là chính Mỹ và châu Âu lại đang mâu thuẫn nhau về các vấn đề công nghệ khác. Họ đang đàm phán lại một thỏa thuận về cách chuyển dữ liệu qua biên giới. Châu Âu thì vẫn cố gắng tìm cách đánh thuế những gã khổng lồ kỹ thuật số của Mỹ như Facebook và Google.
Châu Âu cũng có những thế mạnh và tham vọng riêng trong cuộc đua AI. Những tháng gần đây, EU tuyên bố rằng họ có kế hoạch thúc đẩy chương trình nghị sự về chủ quyền kỹ thuật số của mình.
Nghị viện châu Âu đã cảm nhận được áp lực từ các tập đoàn công nghiệp và các chính trị gia quan tâm đến công nghệ. Dự kiến vào tháng 4, EU sẽ đưa ra đề xuất về quy định AI, phản ánh tầm nhìn về trí tuệ nhân tạo có đạo đức, cung cấp một giải pháp thay thế cho cách tiếp cận công nghệ của Mỹ và Trung Quốc.
Luật mới của EU sẽ đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt đối với các ứng dụng AI được coi là "rủi ro cao". Khối này cũng đang cân nhắc xem ai là người chịu trách nhiệm khi AI gặp trục trặc.
Không đổ nhiều tiền và có lượng dữ liệu khổng lồ để phát triển AI mạnh như Trung Quốc, cũng không phải là quê hương của bất kỳ công ty công nghệ lớn nhất thế giới nào, nhưng châu Âu vẫn tôn vinh vai trò của mình là một cường quốc về quản trị. Các quy tắc bảo mật nghiêm ngặt của họ năm 2018 - "Quy định chung về bảo vệ dữ liệu" - được các công ty Mỹ áp dụng rộng rãi, trở thành bộ khung cho các luật tương tự ở nhiều quốc gia khác.
Hiểu sức ảnh hưởng của mình, các nhà lập pháp châu Âu và các nhóm vận động người tiêu dùng không muốn từ bỏ vai trò đó. Luis Viegas Cardoso, Cố vấn công nghệ cho Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula Von der Leyen, mô tả cách tiếp cận của châu Âu đối với quy định về AI là "cách thứ ba" giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, châu Âu đang tạo ra con đường riêng đối với chủ quyền kỹ thuật số mà không làm suy giảm các mối quan hệ đối tác tiềm năng.
Ủy ban châu Âu đánh giá chính quyền Biden cởi mở với thông điệp của khối về các quy tắc AI tôn trọng nhân quyền, đồng thời muốn thiết lập "Hiệp định xuyên Đại Tây Dương" về trí tuệ nhân tạo. "Không thể bỏ qua sự thật đơn giản rằng chúng ta đang có nhau", Dragoș Tudorache, thành viên Nghị viện châu Âu kiêm Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về AI trong Kỷ nguyên kỹ thuật số, cho biết.
Về phần mình, Quốc hội Mỹ đã thực hiện bước đi táo bạo nhất vào tháng 1/2021 khi thông qua một đạo luật hướng dẫn Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia, một cơ quan liên bang nổi tiếng về chuyên môn công nghệ, phát triển các hướng dẫn cho các công ty nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến AI.
Đạo luật cũng đã cho thành lập Văn phòng Sáng kiến AI Quốc gia để phát triển và thực hiện phương pháp tiếp cận công nghệ của Mỹ. Họ cũng thành lập một Ủy ban cố vấn AI, bao gồm các học giả và quan chức trong ngành - những người có thể đề xuất các lĩnh vực mà Mỹ nên hợp tác với các đồng minh.
Các công ty công nghệ Mỹ lạc quan về khuôn khổ này, coi đây là cơ hội để chính phủ Mỹ đưa ra hướng dẫn mà không áp đặt các quy tắc khó khăn có thể cản trở việc sử dụng AI trong tương lai. Nó cũng có thể giúp tránh lặp lại việc nhượng bộ các quy tắc về quyền riêng tư dữ liệu - lĩnh vực Mỹ thua xa châu Âu trong việc định hình các tiêu chuẩn toàn cầu.
Craig Albright, Phó chủ tịch chiến lược lập pháp của Liên minh Phần mềm BSA, một nhóm các công nghệ công ty lớn, cho rằng điều ngày càng quan trọng là Mỹ và châu Âu không nên chạy đua công nghệ riêng lẻ trong lúc tham vọng của Trung Quốc ngày càng tăng.
"Trung Quốc đang cố gắng lái các nước đi theo một hướng khác với những gì Mỹ và châu Âu đang hướng tới", Craig Albright nhận định. Ông nói thêm rằng, khi đề cập đến quan hệ Âu - Mỹ, "Chính quyền mới của Mỹ muốn tận dụng và phát huy mối quan hệ đó theo cách mà chính quyền Trump không quan tâm".
Phiên An (theo Politico)