Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), sáng nay thành phố ghi nhận thêm 51 trường hợp nhiễm mới, đã được Bộ Y tế công bố, gồm 41 ca là các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong toả, 10 trường hợp phát hiện khi khám sàng lọc tại bệnh viện, đang điều tra dịch tễ.
10 trường hợp chưa rõ nguồn lây này cư trú gồm bốn người cư trú quận 8, bốn người ở quận 10, một ở quận 4 và một ở TP Thủ Đức.
Một tuần nay, số nhiễm Covid-19 theo ngày ở TP HCM nhiều lần đạt kỷ lục, đều trên 130 ca, chiếm phần lớn số mắc mới của cả nước. Bên cạnh các trường hợp là các tiếp xúc của các bệnh nhân được công bố từ trước và đã được cách ly hoặc nằm trong khu vực phong tỏa, thì rất nhiều ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện, phải tiến hành điều tra dịch tễ.
Chẳng hạn, trong 136 trường hợp nhiễm mới ngày 22/6, thành phố ghi nhận 9 trường hợp phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện. Trong số 137 trường hợp nhiễm mới ngày 20/6, ghi nhận 19 ca sàng lọc. Với 135 trường hợp nhiễm mới ngày 19/6, đến 20 ca phát hiện qua khám, xét nghiệm sàng lọc. Số sàng lọc của ngày 18/6 là 13, trong tổng số 149 mắc mới.
Trong làn sóng dịch thứ 4, nhiều bệnh viện, phòng khám tại TP HCM đã phải dừng tiếp nhận khám chữa bệnh, phong tỏa tạm thời vì liên quan các ca nghi mắc Covid-19. Chiều 21/6, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn tiếp nhận cùng lúc 5 trường hợp F0 đến khám.
Theo HCDC, thời gian qua, sau khi kiểm soát được chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục hưng thì thành phố phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm mới, số lượng người nhiễm bệnh cao, như chuỗi liên quan chung cư Ehome 3, chuỗi Hnam Mobile, xưởng cơ khí Hóc Môn, công ty Trung Sơn, vựa ve chai quận 1...
Nửa tháng qua, mỗi ngày thành phố đều phát hiện những trường hợp nhiễm mới thông qua sàng lọc không rõ nguồn lây. "Điều này cho thấy mầm bệnh vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng", theo đại diện HCDC.
HCDC nhận định, đặc điểm của các chuỗi lây nhiễm trong đợt dịch thứ 4 này là lây nhiễm thông qua các tiếp xúc sinh hoạt thường ngày tại nơi cư trú, nơi làm việc. Bệnh nhân lây nhiễm từ nơi cư trú rồi mang vào nơi làm việc, rồi lại từ nơi làm việc mang về nơi cư trú tạo thành những chu kỳ lây nhiễm qua lại. Do đó, khi phát hiện các trường hợp chỉ điểm qua khám sàng lọc tại bệnh viện thì khi điều tra truy vết, ngành y tế phát hiện ra các chuỗi lây đã lây nhiễm qua lại vài chu kỳ.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận định việc liên tục phát hiện ca mắc mới qua khám sàng lọc, chứng tỏ việc bao vây, xét nghiệm diện rộng ở vùng nguy cơ là không đủ. "Khi có ca điều tra dịch tễ ở ngoài vùng nguy cơ, sẽ càng khiến vùng nguy cơ nở rộng", bác sĩ Khanh nói.
Bác sĩ Khanh đề xuất nên xem xét thay đổi chiến lược, làm sao để người dân có thể tiếp cận xét nghiệm ở nơi gần nhất để phát hiện sớm hơn, chẳng hạn tại các trạm y tế, thay vì di chuyển tới bệnh viện. Hiện, rất nhiều người e ngại đến bệnh viện, nên khi phát hiện triệu chứng nhiều ngày mới đi khám thì đã rất trễ. Khi đó việc khoanh vùng, truy vết càng vất vả hơn.
"Việc từ ca bệnh viện, truy ngược lại dịch tễ để khoanh vùng sẽ không giải quyết tận gốc, chỉ mới đang nắm phần ngọn, thì sẽ khó kết thúc dịch sớm", bác sĩ Khanh nói.
TP HCM đang trong tuần thứ 4 giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, kể từ 0h ngày 31/5. Từ 0h ngày 20/6, thành phố nâng cấp độ chống dịch theo chỉ thị 10 của UBND TP HCM.
HCDC khuyến cáo người dân cần tuân thủ đúng các quy định giãn cách, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh theo thông điệp 5K của Bộ Y tế khi ra khỏi nhà, chủ động khai báo y tế khi nhận biết bản thân có nguy cơ.
TP HCM đang trong đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay, từ 27/4 đến sáng 23/6 ghi nhận 1.973 ca mắc. Hiện, 9 bệnh viện đang điều trị 1.822 bệnh nhân dương tính mới, trong đó nhiều bệnh viện sắp hết công suất giường.