Việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cả thế giới bối rối, bởi người đưa ra quyết định này luôn tự hào mình là một chuyên gia đàm phán lão luyện. Trong động thái này, Trump đã thể hiện sự nhượng bộ gần như vô điều kiện cho một bên trong cuộc đàm phán phức tạp mà không thu về được gì, trái lại còn đẩy Trung Đông vào tình thế "như đi trên lưỡi dao", theo CNN.
Wardah Khalid, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ ở Trung Đông, cho rằng tuyên bố của Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ về thành phố thiêng này chủ yếu mang tính hình thức. Thông điệp mà Trump đưa ra không cho thấy quyết định này sẽ đóng góp gì cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông, mà dường như chỉ là một động thái thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những cử tri Mỹ đã bỏ phiếu cho ông.
Bình luận viên Fareed Zakaria của Washington Post thì gọi quyết định này của Trump là sự "vỗ về" cử tri và những nhà tài trợ thân Israel hơn là một phần trong kế hoạch chiến lược được tính toán cẩn thận. Trump không chỉ ra được bất cứ thay đổi lớn nào về chính sách đối ngoại với Israel, cũng không có những biện pháp để trấn an người Palestine sau động thái này. Tính toán chiến lược duy nhất trong quyết định trên dường như là nó sẽ giúp củng cố vị thế của đảng Cộng hòa trong bối cảnh ứng viên Roy Moore sắp tranh cử thượng nghị sĩ ở bang Alabama.
"Dù các đời tổng thống trước đều coi đây là một lời hứa lớn khi tranh cử, họ đã không thực hiện nó. Hôm nay, tôi thực hiện lời hứa đó", Trump tuyên bố về quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.
Nhưng đằng sau cánh cửa đóng, Trump lại làm điều ngược lại. Ông lặng lẽ làm điều mà các tổng thống Mỹ gần đây từng làm, đó là ký một văn bản để tiếp tục giữ nguyên đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv trong 6 tháng tiếp theo.
Đạo luật Đại sứ quán Jerusalem (JEA) do quốc hội Mỹ thông qua năm 1995 yêu cầu Mỹ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem trước năm 1999. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã từ chối phê chuẩn đạo luật và cứ 6 tháng một lần ký văn bản miễn trừ thi hành JEA. Các tổng thống Mỹ sau này đều tiếp tục truyền thống ký văn bản miễn trừ thi hành đạo luật gây tranh cãi này.
Giới quan sát cho rằng sau khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, Trump vẫn sẽ tiếp tục ký các văn bản miễn trừ thi hành JEA trong tương lai gần, bởi việc di chuyển đại sứ quán có thể mất nhiều năm. Điều đó khiến tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của ông không mang nhiều ý nghĩa thực tế.
Khalid cho rằng Trump đưa ra quyết định mang tính hình thức trên có thể vì cho rằng đây là giải pháp tốt nhất trong tình hình hiện nay, khi nó thể hiện được sự ủng hộ của ông đối với Israel mà không phải hy sinh điều gì quá lớn lao.
Nhưng chuyên gia này nhận định tính toán đó của Trump không giúp tránh khỏi những hậu quả tiêu cực rất thực tế, có thể dẫn tới sự quay ngoắt 180 độ trong chính sách lâu dài của Mỹ, trong đó có hệ quả Mỹ tự tước bỏ vị thế của mình trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine cũng như với sự ổn định của khu vực, đồng thời đánh mất các đồng minh Arab và Hồi giáo quan trọng.
Hậu quả nhãn tiền
Giới phân tích cho rằng tuyên bố trên của Trump về cơ bản đã thừa nhận hành động sáp nhập Đông Jerusalem của Israel, vốn bị cộng đồng quốc tế coi là bất hợp pháp trong Nghị quyết số 242 của Liên Hợp Quốc.
Ngoài ra, việc công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và chuyển đại sứ quán Mỹ về đây sẽ tác động bất lợi đến các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, tiến trình mà nhiều người cho rằng Mỹ chưa bao giờ coi trọng thực sự.
Hậu quả nghiêm trọng nhất sau tuyên bố này của Trump là Israel có thể gia tăng hoạt động chiếm đóng quân sự và xây dựng khu định cư trên đất của người Palestine, đi ngược lại hoàn toàn với tiến trình đàm phán hòa bình.
Việc tăng cường chiếm đóng quân sự của Israel ở Jerusalem có thể cản trở đáng kể quyền tự do đi lại, quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên và được đối xử bình đẳng của người Palestine sinh sống ở khu vực. Điều này nhiều khả năng sẽ dẫn tới gia tăng mâu thuẫn giữa người Palestine và người Israel, thậm chí có thể bùng phát thành một phong trào bạo lực mới dẫn đến cái chết của nhiều người ở cả hai bên.
Các lãnh đạo Palestine đã kêu gọi tổ chức ba ngày biểu tình để phản đối quyết định của Trump. Người dân ở Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan cũng đã đổ xuống đường biểu tình. Nhiều quan sát viên lo ngại phong trào phản đối lần này có thể nghiêm trọng hơn những gì diễn ra trong mùa hè vừa qua, khi quân đội Israel lắp đặt máy dò kim loại tại thánh đường Al Aqsa linh thiêng của người Hồi giáo.
Theo bình luận viên Zakaria, bạo lực nếu có bùng nổ ở Jerusalem cũng sẽ nhanh chóng bị dập tắt, bởi Israel duy trì ở đây một mạng lưới rào chắn, chốt kiểm soát và nhân viên tình báo rộng lớn, có thể kiểm soát bất cứ sự phản kháng nào. Điều nguy hiểm trong quyết định của Trump là nó sẽ đẩy người dân Palestine vào tình thế tuyệt vọng hơn.
Người dân Palestine đang sống trong tình cảnh chưa từng thấy trong thế giới hiện đại: công dân không có đất nước của riêng mình, bị chia rẽ và thiếu sự lãnh đạo hiệu quả cho phong trào đòi độc lập. Họ sống nghèo khổ, bị kiểm soát gắt gao ngay bên cạnh một đất nước Israel thịnh vượng.
Zakaria cho rằng sự bất bình đẳng về thu nhập, địa vị và quyền lợi chính trị này đến một ngày nào đó sẽ chạm tới ngưỡng bùng nổ khi nỗi ấm ức ngày càng gia tăng. Những hành động như quyết định mà Trump vừa đưa ra chỉ khoét sâu hơn những rạn nứt và thổi bùng lên căng thẳng trong khu vực.
Theo chuyên gia Khalid, lịch sử sẽ đánh giá tác động thực sự mà quyết định của Trump đem đến cho Trung Đông. Tuy nhiên, việc ông phá vỡ thông lệ đã được cả thế giới công nhận chỉ để thực hiện lời hứa đưa ra khi tranh cử không phải là hành động mang tính biểu tượng, đó chỉ là động thái nguy hiểm tiềm ẩn những bất ổn chưa thể lường trước.
Trí Dũng